Tín Ngưỡng Tứ Bất Tử Nơi Thăng Long, Hà Nội

Trong văn hóa tín ngưỡng dân gian Việt Nam có rất nhiều thần thánh được tôn sùng, thờ phụng nhưng đặc biệt chỉ có 4 vị thánh được coi là bất tử, không bao giờ chết. Đó là một huyền thoại về đức tin đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân Việt bao đời nay. 

Vậy Tứ Bất Tử là những ai, tại sao họ lại có một vị trí đặc biệt như “siêu thánh” trong dân gian? Theo truyền thuyết, Tứ bất tử gồm:

  • Thánh Tản Viên – Được dân gian tôn sùng là Tản Viên Sơn Thánh, hay còn gọi là Sơn Tinh trong câu truyện Sơn Tinh – Thủy Tinh. Được nhắc đến đầu tiên và đứng thứ nhất trong Tứ Bất Tử, vị thần này cai quản dãy núi Ba Vì (tức núi Tản Viên). Theo truyền thuyết trong dân gian, Tản Viên Sơn Thánh là vị thánh biểu đạt cho những khả năng to lớn và vĩnh viễn của cộng đồng trong lao động sáng tạo ra nguồn của cải vô tận và trong chiến đấu chống thiên tai, lũ lụt để bảo vệ mùa màng và cuộc sống. Trong khi đó Các học giả thời phong kiến (các sử gia, các nhà trước tác) cho Tản Viên là "hạo khí anh linh của trời đất sinh ra" (Kiều Phú, trong Lĩnh Nam chích quái), hoặc cho "Tản Viên là 1 trong 50 người con của Lạc Long Quân, Âu Cơ theo cha xuống biển " (đúng ra thì phải là chắt khoảng đời thứ 19).

Tín Ngưỡng Tứ Bất Tử Nơi Thăng Long, Hà Nội - Ảnh 1

Ngày nay, đền thờ thánh Tản viên đã được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, Đây là khu di tích lịch sử Đền thờ Tản Viên Sơn Thánh gồm ba ngôi đền (đền Thượng, đền Trung, đền Hạ) nằm trên địa bàn hai xã Minh Quang và Ba Vì, thuộc huyện Ba Vì. TP Hà Nôi.

  • Thánh Gióng hay còn được gọi với cái tên thành kính là Phù Đổng Thiên Vương, Truyền thuyết còn kể rằng: Ông sinh ra tại xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội thời Vua Hùng thứ 6. Thánh Gióng là người "trời" đầu thai làm đứa trẻ tuy lên 3 mà không biết nói cười.  Khi giặc Ân từ phương Bắc tới thì cậu bé bỗng nhiên đổi khác, đứng dậy nói năng hết sức dõng dạc và mau chóng lớn thành một tráng sĩ. Vị tráng sĩ này cưỡi ngựa sắt, đội nón sắt, cầm gậy sắt ... một mình xông pha trận tiền. Đánh tan giặc Ân, rồi bỏ lại tất cả, một mình một ngựa bay thẳng lên trời. Ông tượng trưng cho tinh thần ngoan cường chống ngoại xâm, sức mạnh tuổi trẻ, tình đoàn kết dân tộc và còn là tình mẫu tử thiêng liêng.

Tín Ngưỡng Tứ Bất Tử Nơi Thăng Long, Hà Nội - Ảnh 2

 

  • Thánh Chử Đạo Tổ hay còn được dân gian gọi là Chử Đồng Tử, đây là vị thánh tượng trưng cho tình yêu, hôn nhân và sự sung túc, giàu sang. Câu chuyện về Chử Đồng Tử là một sự gặp gỡ có phần kì bí đã thêu dệt nên một thiên tình sử lạ vào loại bậc nhất trong lịch sử dân tộc. Lạ lùng là ở đây có một tình yêu và quan niệm bạo dạn, tới mức dũng cảm, vượt qua tất cả mọi ranh giới. Nàng Tiên Dung dám yêu, dám lấy chàng Chử Đồng Tử nghèo hèn, bất chấp mọi lễ giáo phong kiến và ngôi vị thứ bậc trong xã hội. Đây là một nét đẹp đậm chất nhân văn nhất trong bốn vị Thánh của “Tứ bất tử”. Câu chuyện thể hiện nguyện vọng xây dựng một cuộc sống phồn vinh vật chất trên nền tảng một tình yêu đích thực. Người ta đã thống kê có tới 72 làng lập điện thờ Chử Đồng Tử, rải rác ở hai bờ tả ngạn sông Hồng. Trong đó, có một đền thờ lớn chính lập tại thôn Chử Xá, Văn Đức, Gia Lâm, Hà Nội.

Tín Ngưỡng Tứ Bất Tử Nơi Thăng Long, Hà Nội - Ảnh 3

  • Thánh Mẫu Liễu Hạnh – là vị thánh cuối cùng trong Tứ Bất Tử, là một vị thần biểu tượng cho khát vọng tự do, phóng khoáng, thoát khỏi những quy tắc ràng buộc của xã hội dành cho người phụ nữ. Theo lịch sử Thánh Mẫu Liễu Hạnh có tên thật là Liễu Hạnh, sinh ra vào thời Lê (1557). Liễu Hạnh Công chúa là một trong những vị thần quan trọng nhất của tín ngưỡng Việt Nam. Bà còn được gọi bằng các tên: Bà Chúa Liễu, Liễu Hạnh, Mẫu Liễu Hạnh hoặc ở nhiều nơi thuộc vùng Bắc Bộ bà được gọi ngắn gọn là Thánh Mẫu.Liễu Hạnh Công chúa được thờ ở rất nhiều nơi, tại Hà Nội là phủ Tây Hồ, Hàng năm, đến ngày huý của bà, dân chúng đi trẩy hội rất đông vào  vào tháng 3 âm lịch (từ mồng 1 đến mồng 10). Dân gian có câu: "Tháng Tám giỗ Cha, tháng Ba giỗ Mẹ", nói về ngày giỗ của hai vị được dân gian thờ cúng: "Cha" là Vua cha Bát hải Động Đình và Trần Hưng Đạo, còn "Mẹ" chính là bà Chúa Liễu.

Tín Ngưỡng Tứ Bất Tử Nơi Thăng Long, Hà Nội - Ảnh 4

Sau khi đọc những nội dung trên chắc hẳn bạn đã biết được Tứ Bất Tử là những ai, và dưới đây, hãy tiếp tục đọc để biết tại sao là Tứ (bốn) mà không phải là con số khác? Trước hết, nói về con số bốn (tứ). Trong tư duy của người Việt, con số này mang tính ước lệ và có ý nghĩa lớn. Tứ (bốn) là một hằng số được dùng để khái quát về một phạm trù nào đó. Ví dụ: Tứ trấn, An Nam tứ đại tài, Tràng An tứ hổ, Sơn Tây tứ quý, Mỗ-La-Canh-Cót tứ danh hương v.v.. Có thể thấy rằng mọi cơ cấu giá trị vật chất tinh thần nhiều khi được bắt đầu bằng “bộ tứ”.Và việc chọn lấy 4, trong toàn thể của một tập hợp là chọn lấy những gì tiêu biểu nhất, độc đáo nhất và có tính thời đại. Từ bất tử cũng là một tập hợp như vậy.

HOTLINE
Tour trong nước:
Ms. Tuyết Chinh: 0916 172 338
Ms. Ngọc Anh: 0918 953 728
Tour nước ngoài:
Ms. Thư: 0944 738 228
Mr. Hoàng Minh: 0947 348 228
Top