Cẩm nang Du lịch Tây Bắc

Chẳng cần những tòa nhà cao chọc trời, những khu vui chơi giải trí hiện đại, chỉ cần màu đá xám, những mùa hoa tinh khôi, những thửa ruộng bậc thang nhuộm màu vàng óng khi lúa chín hay lấp lánh ánh mặt trời mùa nước đổ, những cánh rừng nguyên sinh bạt ngàn, dòng thác chảy ào ạt,… cũng đủ giúp du lịch Tây Bắc làm say đắm và níu chân biết bao lữ khách đường xa. Không chỉ phong cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, những bản làng yên bình, chính những người dân hiền lành, mộc mạc và hiếu khách đã tạo nên nét quyến rũ cho du lịch Tây Bắc.

Du lịch Tây Bắc mùa Thu và cuối năm là thời điểm đẹp nhất. Bạn sẽ được chìm đắm trong khung cảnh thiên nhiên thơ mộng, trữ tình ở Mai Châu, Mộc Châu; được chinh phục đèo cao, vực sâu hùng vĩ ở Điện Biên, Lai Châu và ngược về quá khứ với những trang sử hào hùng của dân tộc tại Sơn La và Điện Biên. Mỗi thời điểm, khung cảnh nên thơ, hùng tráng ấy lại được điểm tô bởi hương sắc các loài hoa và lúa chín khiến bao người phải nhớ, phải say và muốn được du lịch Tây Bắc thêm thật nhiều lần nữa.

1. Du lịch Tây Bắc mùa nào đẹp nhất?

Du lịch Tây Bắc mùa nào cũng mang vẻ đẹp rất riêng, độc đáo và khác biệt. Nếu đến với Tây Bắc vào dịp mùa xuân, sắc hoa đào như viên hồng ngọc soi sáng giữa núi rừng khiến cho vạn vật như bừng sáng sau giấc ngủ đông dài. Những thửa ruộng bậc mùa nước đổ như bức tranh thủy mặc vào mùa hạ. Cũng chính những thửa ruộng bậc thang ấy chín vàng trải dài trên khắp sườn đồi vùa mùa thu. Và mùa đông, với tiết trời se lạnh, nhiều nơi có tuyết rơi hay băng phủ gây ấn tượng khó phai cho du khách.

2. Phương tiện đi Tây Bắc như thế nào?

Để di chuyển từ Hà Nội tới Tây Bắc các bạn có thể đi bằng xe khách hoặc phượt bằng xe máy. Lấy Sapa là điểm bắt đầu để khám phá Tây Bắc, các bạn bắt xe khách ở bến xe Mỹ Đình, Lương Yên, Gia Lâm thời gian khoảng 8 tiếng. Hoặc di chuyển bằng tàu hỏa tới ga Lào Cai bắt xe bus đi Sapa. Nếu muốn lấy Mộc Châu là điểm khởi đầu cho hành trình khám phá du lịch Tây Bắc, bạn có thể bắt xe khách Hà Nội – Sơn La ở bến xe Mỹ Đình.

3. Những điểm du lịch Tây Bắc

Sapa

Sapa được mệnh danh là thành phố sương mù. Đến Tây Bắc mà chưa tới Sapa thì thật là điều đáng tiếc. Mùa nào thức đấy, Sapa đẹp quanh năm với khí hậu mẻ. Núi rừng hoang sơ. Sapa là một thị trấn ở vùng cao, một vùng đất khiêm nhường, lặng lẽ nhưng ẩn chứa bao điều kỳ diệu của cảnh sắc thiên nhiên. Những thửa ruộng bậc thang nối đuôi nhau đến tận chân trời. Mùa hoa đào, hoa mơ, hoa Mận phủ khắp núi rừng. Phong cảnh thiên nhiên của Sa Pa được kết hợp với sức sáng tạo của con người cùng với địa hình của núi đồi, màu xanh của rừng, như bức tranh có sự sắp xếp theo một bố cục hài hoà tạo nên tạo nên vùng đất xinh đẹp với cảnh sắc đầy thơ mộng.

Sa Pa có núi Hàm Rồng ở sát ngay thị trấn, bất kỳ du khách nào cũng có thể lên đó để ngắm toàn cảnh thị trấn, thung lũng Mường Hoa, Sa Pả, Tả Phìn ẩn hiện trong sương khói. Hiện nay, với bàn tay tôn tạo của con người, Hàm Rồng thực sự là một thắng cảnh đầy hoa trái của Sa Pa. Lên Hàm Rồng, du khách như lạc vào vườn tiên, mây ùa kín thân người và những bông hoa rực rỡ đầy màu sắc dưới mặt đất. Du lịch Tây Bắc, đến thị trấn Sapa bạn sẽ được chiêm ngưỡng ngôi nhà thờ cổ bằng đá ẩn hiện trong sương tựa khung cảnh nơi miền cổ tích. Từ đây đi ngược lên phía đông bắc, trên đường đi tới động Tả Phìn lại có một tu viện được xây gần toàn như bằng đá tại một sườn đồi quang đãng, thoáng mát. Đi lên khoảng 3 cấy số ta sẽ nhìn thấy một hang động. Trong hang nhiều nhũ đá tạo nên những hình thù kỳ thú như hình tiên múa, đoàn tiên ngồi, cánh đồng xa, rừng cây lấp lánh. Đặc biệt hơn, khi đến thung lũng Mường Hoa, nơi đây có 196 hòn chạm khắc nhiều hình kỳ lạ của những cư dân cổ xưa cách đây hàng ngàn vạn năm mà nhiều nhà khảo cổ học vẫn chưa giải mã được những thông tin đó. Khu chạm khắc cổ đã được xếp hạng di tích quốc gia và đang được Nhà nước ta đề nghị xếp hạng di sản thế giới. Tại đây còn có  Thác Bạc từ độ cao trên 200m những dòng nước đổ ào ào tạo thành âm thanh núi rừng…. Đến với Sapa mùa tuyết rơi, du khách sẽ còn được chiêm ngưỡng những khung cảnh thiên nhiên đẹp đến ngỡ ngàng mà ít nơi nào có được. Sắc xanh của những cánh đồng lúa trên ruộng bậc thang được thay bằng màu trắng của tuyết phủ tạo nên cảnh tượng vô cùng kì vĩ.

Mộc Châu

Du lịch Tây Bắc, bạn nhất định phải tới Mộc Châu, nơi được ví là “Đà Lạt núi của Tây Bắc”. Mộc Châu mang trong mình những đồi chè xanh ngút ngàn, những cao nguyên tràn đầy nhựa sống, dải lụa trắng được dệt từ ngàn bông cải,chén rượu ngô ấm nồng men say,… Mộc Châu quanh năm ngập trong sắc hoa, hương thơm từ đồng lúa, quả ngọt khắp núi rừng. Mộc Châu cũng chính là vùng thảo nguyên thơ mộng đẹp nhất của núi rừng Tây Bắc.

Du lịch Mộc Châu, bạn sẽ được khám phá Ngũ Động Bản Ôn, một quần thể hang động đẹp, kỳ vĩ, hoang sơ, với hệ thống 5 hang động nằm sâu dưới quả núi với hình dáng đẹp mắt do chính thiên nhiên ban tặng. Trong khi đó, Rừng thông bản Áng có khí hậu cao nguyên trong lành mát mẻ, với khung cảnh thiên nhiên thơ mộng, hữu tình. Hồ Bản Áng được ví như tấm gương phản chiếu đủ bốn mùa xuân hạ thu đông của đất trời. Còn có cả Thác Dải Yếm ngày đêm đổ xuống trắng xóa, ầm ào, mang đến cho du khách sự thích thú khi được hòa mình vào những ngọn gió mang hơi nước mát lành trong khung cảnh huyền bí. Đặc biệt, Đồi chè trái tim, vườn hoa nhiệt đới Mộc Châu là nơi bạn thoải sức ghi lại những khoảnh khắc tuyệt vời của đời người. Chưa hết, chinh phục đỉnh Pha Luông, bạn sẽ được đắm mình trong biển mây kì ảo, được hít gió trời ở một độ cao hơn 2000m. Và nếu đến hang ma sau suối Bàng, du khách sẽ được nghe kể về những xác chết trong các quan tài của bộ tộc ăn thịt người…

Mù Cang Chải

Mù Cang Chải là một huyện vùng cao của tỉnh Yên Bái. Nơi đây sở hữu những cánh đồng ruộng bậc thang đẹp nhất của Tây Bắc. Trải nghiệm việc đồng áng với người dân tộc tại đây khá thú vị. Đồng thời thưởng thức những món ăn ngon tuyệt của đồng bào Tây Bắc.

Nếu muốn tới Mù Cang Chải trong chuyến du lịch Tây Bắc, bạn nên đi vào 2 mùa đẹp nhất là mùa nước đổ và mùa lúa chín. Từ tháng 5-6 là mùa đổ nước. Khi những cơn mưa mùa hè bắt đầu trút nước xuống những ngọn núi thì nước được dẫn từ trên núi vào các ruộng bậc thang. Nước tràn vào các thửa ruộng làm cho đất khô cằn trở nên mềm hơn và nở ra giúp bà con có thể cấy lúa. Đây cũng là thời điểm bà con bắt đầu xuống đồng cày cấy chuẩn bị cho một vụ mùa mới. Chính vì thế ở các ruộng bậc thang miền núi phía Bắc, lúa chỉ có thể trồng được một vụ. Những bậc thang loang loáng nước trong nắng chiều tạo nên một vẻ đẹp khiến cho bao du khách phải ngỡ ngàng. Tháng 9, tháng 10 là mùa lúa chín ở Mùa Cang Chải. Lúa chín vàng, nhuộm khắp miền núi Tây Bắc trong sắc màu tươi sáng, đậm chất thu sang. Vào lúc này, toàn bộ Mù Cang Chải sẽ vàng rực một màu lúa, thời tiết đẹp, thuận lợi để đến thăm nơi đây. Đây là thời điểm các đoàn du lịch nô nức lên kế hoạch để khám phá các cảnh sắc tuyệt đẹp của tây bắc, điểm du lịch đẹp nhất trong mùa này ở Tây Bắc chính là Mù Căng Chải.

Mai Châu

Thung lũng Mai Châu (tỉnh Hòa Bình) là một trong những điểm đến độc đáo của du lịch Tây Bắc. Vào mùa xuân, Mai Châu như tràn ngập sắc màu của hoa mận, hoa đào... Cuối xuân, khi hoa đào tàn, phong cảnh núi rừng lại bạt ngàn màu trắng hoa ban thuần khiết. Mùa hè, khung cảnh nơi đây được bao phủ bởi một màu xanh cây rừng, của những cánh đồng ngô, lóng lánh mặt gương soi trên cánh đồng lúa mùa nước đổ. Cuối thu, Mai Châu hiện lên với vẻ đẹp trù phú rực rỡ sắc vàng. Những thửa ruộng bậc thang đang vào mùa lúa chín, sóng lúa vàng óng phủ kín trên khắp các sườn đồi xen lẫn trong những nếp nhà sàn.

Nét văn hóa ẩm thực của người Thái là đặc trưng của ẩm thực Mai Châu, thể hiện sự kết hợp hài hoà, sự giao lưu, hòa quyện cùng linh khí của núi, của sông, của rừng, của những tấm lòng chân thành giản dị. Những món ăn mà du khách không thể bỏ qua đó là lợn mán, xôi nếp, cơm Lam, cá suối nướng… Du khách đến đây thường thích dạo quanh bản Lác, thuê một chiếc xe đạp chạy vòng quanh những bản làng, ghé thăm những hàng quán đầy màu sắc, ăn thử đặc sản lợn mán cơm lam Mai Châu hoặc đơn giản từ cửa sổ nhà sàn ngắm nhìn khung cảnh đồng quê yên bình. Mai Châu – Hòa Bình là một vùng đất để sống chậm cho những ai muốn hòa vào thiên nhiên, tìm cảm giác thư thái tránh xa đô thị ồn ào đông đúc.

Sơn La

Sơn La là vùng đất còn hoang sơ thuần khiết của núi rừng, của những dòng suối nước trong veo và những thắng cảnh thiên nhiên hùng vĩ. Vùng đất này có những hang động kỳ thú (hang Dơi, hang Chi Đảy, hang nhả nhung, hang Ta Búng...), những thác nước chảy róc rách ngày đêm (thác Dải Yếm, thác Tạt Nàng…), đặc biệt là nguồn tài nguyên suối nước nóng hết sức phong phú (suối nước nóng bản Mòng, suối nước nóng bản Lướt). Bên cạnh đó, Sơn La còn lôi cuốn, hấp dẫn du khách bởi những đồi hoa mơ, hoa mận, hoa đào cùng cánh đồng hoa cải nở rộ…

Sơn La còn là một vùng đất cổ có lịch sử lâu đời và là miền đất phên dậu của Tổ quốc. Sơn La có nhiều di tích lịch sử - văn hóa, đó là những địa điểm sinh sống của các cư dân cổ, một trong những chiếc nôi của loài người; ghi dấu quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc. Ngoài ra, thiên nhiên còn ban tặng cho Sơn La nhiều danh lam thắng cảnh với hệ thống hang động phong phú, những khu rừng nguyên sinh xanh tốt quanh năm… Trong đó, nổi bật phải kể đến di tích lịch sử nhà tù Sơn La, nằm giữa lòng phố núi Sơn La, đồi Khau Cả uy nghiêm, trầm mặc soi mình bên dòng suối Nậm La hiền hòa. Nhà tù Sơn La - một trường học cách mạng tiêu biểu của các chiến sỹ cộng sản và những người Việt Nam yêu nước, gắn liền với hình ảnh cây đào Tô Hiệu, biểu tượng về sức sống mãnh liệt, trường tồn của chủ nghĩa anh hùng cách mạng.

Điện Biên

Điện Biên là tỉnh không thể thiếu trong hành trình du lịch Tây Bắc. Điện Biên được thiên nhiên ưu đãi nhiều danh lam, thắng cảnh tươi đẹp, hùng vĩ như hồ Pá Khoang, hang Thẩm Púa; là nơi cư trú của 21 dân tộc anh em, mỗi dân tộc mang bản sắc văn hóa riêng gắn với nghệ thuật ẩm thực, nghề thủ công truyền thống và những lễ hội đặc sắc. Bên cạnh đó, Điện Biên còn có nhiều di tích lịch sử gắn với công cuộc dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, tiêu biểu là các di tích: tháp Mường Luân, thành Bản Phủ, đền thờ Hoàng Công Chất và đặc biệt là cụm di tích chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Về với Điện Biên, bạn không chỉ được đắm mình trong thiên nhiên hùng vĩ mà còn được sống trong những giây phút lịch sử của dân tộc. Tìm hiểu địa danh nổi tiếng gắn liền chiến công “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Điện biên còn là “thủ phủ” của hoa ban. Lễ hội hoa được Điện Biên tổ chức thường niên vào dịp tháng 3 hàng năm. Lễ hội hoa ban chứa đựng những nét đẹp văn hóa tâm linh đặc trưng trong đời sống tinh thần của đồng bào dân tộc Thái với các nghi thức thỉnh bái “Then” - vị thần tối cao trong hàng ngũ thánh thần theo quan niệm của người Thái; thỉnh bái “nàng Ban” - một nữ nhân vật huyền thoại biểu thị cho sự trinh trắng của người thiếu nữ Thái và tình yêu đôi lứa thủy chung; thỉnh bái ma trời, ma mường, ma núi, ma sông… phù hộ cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, vạn vật đơm hoa, kết trái, cho lứa đôi hạnh phúc và phù hộ cho cuộc sống của dân bản luôn đầm ấm, yên vui. Du lịch Tây Bắc, về với Điện Biên vào tháng 3, du khách sẽ cảm nhận được khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, nên thơ làm say đắm lòng người với màu trắng của hoa ban phủ kín núi rừng và hòa mình trong không gian lễ hội đậm đà bản sắc dân tộc.

4. Ẩm thực và Đặc sản Tây Bắc

Thịt Trâu gác bếp

Thịt trâu gác bếp là một trong những đặc sản hấp dẫn nhất của du lịch Tây Bắc. Người Tây Bắc có cách chế biến thịt Trâu gác bếp rất riêng. Thịt phải là loại tươi ngon. Gia vị ướp rất cầu kỳ từ ớt, tỏi, gừng và loại hạt Mắc Khén nổi tiếng. Thịt sau khi ướp cho thấm sẽ được làm chín, làm khô bằng cách hun khói nghi ngút từ bếp củi. Những loại gỗ tự nhiên được đốt thường xuyên mang đến cho thịt mùi thơm rất đặc trưng.

Thắng cố

Món đặc sản của du lịch Tây Bắc này là đặc trưng của người Mông. Món ăn đặc biệt này có phần thách thức vị giác và cả sự can đảm của người ăn. Món ăn được nấu từ nguyên liệu chính là xương ngựa ninh cho ngọt nước, lục phủ ngũ tạng của Ngựa, các loại hoa hồi, thảo quả… tạo nên một món ăn thơm ngon, bổ dưỡng.

Rêu đá nướng

Chỉ cần nghe cái tên thôi chắc hẳn bạn đã thấy lạ lẫm. Bạn có thể thưởng thức món ăn đặc biệt này ở Lai Châu, Hà Giang hoặc Điện Biên. Rêu Tây Bắc rất quý và hiếm. Rêu được chế biến thành các món như Rêu nướng hoặc rán. Món ăn này không chỉ ngon mà còn rất tốt cho cơ thể giúp giải nhiệt, giải độc và lưu thông khí huyết.

Thịt lợn cắp nách

Những con lợn cắp nách được người dân tộc thả rông, cho ăn khoai sắn, rau rừng và thức ăn thừa. Chính vì thế mà những con lợn này có nuôi đến mấy năm cũng không vượt quá được 30kg. Cái tên lợn cắp nách cũng vì kích thước bé nhỏ đó mà ra. Lợn được người dân tộc mổ, làm sạch, ướp các loại gia vị, lá móc mật rồi nướng vàng giòn trên bếp than hồng. Lợn chín đều, bì giòn tan, bên trong thịt mềm, ngọt, không khô. Món ăn này rất được lòng các “thượng đế” khi du lịch Tây Bắc.

Xôi nếp ngũ sắc

Gạo nếp là thứ đặc sản của vùng Tây Bắc. Thứ nếp được trồng trên ruộng bậc thang, hạt gạo chắc mẩy, nấu lên hương thơm đặc biệt, gạo dẻo, ngọt. Người dân tộc đã sáng tạo ra các màu xôi từ hoa, quả rừng, đồ cùng với xôi tạo nên màu rất đẹp và bắt mắt. Du lịch Tây Bắc, bất kỳ ai cũng không thể bỏ qua món ăn này.

Các loại rượu núi rừng

Khí hậu vùng Tây Bắc lạnh nhiều nên người dân uống rượu có độ rất nặng. Sử dụng nguyên liệu tự trồng như gạo, ngô, khoai, sắn và các loại quả như Táo Mèo tạo nên các loại rượu với hương thơm khác nhau. Du lịch Tây Bắc mà không say hay ít ra là không thưởng thức các loại rượu thủ công một lần thì phí cả một đời. 

Pa pỉnh tộp

Pa pỉnh tộp là món ăn được làm từ cái suối. Đây không chỉ là món ăn đặc sản nổi tiếng mà còn có mùi vị rất thơm ngon đặc trưng  của du lịch Tây Bắc. Nếu như bạn được người Thái mời ăn món này, thì chắc chắn họ rất quý bạn. Món ăn này được làm từ cá suối tươi, ướp cùng các loại gia vị như  gừng, sả, mắc khén và mầm măng của cây sa nhân rồi mang đi nướng chín. Món cá này khi chín có mùi thơm đặc trưng từ các loại gia vị ướp cùng. Thịt cá suối rất thơm, ngon, chắc thịt và ngọt.

Nậm pịa

Nậm Pịa là cái tên không mấy xa lạ trong nền ẩm thực của du lịch Tây Bắc. Ai chưa ăn thì e dè, ai mà ăn được thì lại thành món khoái khẩu. Món ăn khiến nhiều người lắc đầu này có nguyên liệu cơ bản từ những thức ăn đang tiêu hóa trong ruột non của trâu, bò hoặc dê, nấu cùng với các bộ phận lục phủ ngũ tạng của chúng. Sau đó mang đi ninh nhừ, nêm nếm gia vị cho vừa ăn.

Mua gì về làm quà khi du lịch Tây Bắc?

Chẩm chéo

Chẳm chéo là một loại gia vị đặc trưng của người dân tộc Thái ở vùng Điện Biên, Tây Bắc. Chẳm chéo được làm từ hạt mắc khén, ớt tươi, hạt dổi, gừng tỏi và một số loại gia vị khác. Món chấm này không thể thiếu trong mâm cơm ăn của dân tộc Thái bởi chấm rau, chấm các món nướng hay thịt luộc,… rất ngon. Du lịch Tây Bắc, mua chẩm chéo về làm quà vừa độc đáo vừa kinh tế.

Táo mèo khô

Táo mèo khô là một loại quả quý mà thiên nhiên ưu ái ban tặng cho vùng rẻo cao Tây Bắc. Táo mèo khô có thể làm mứt, ngâm rượu,… đem đến nhiều công dụng cho sức khỏe như chữa bệnh cao huyết áp, tim mạch, máu nhiễm mỡ,…Cahwcs chắn, người thân và bạn bè của bạn sẽ thích món quà Tây Bắc này.

Rượu táo mèo

Rượu táo mèo với hương vị cay cay nơi đầu lưỡi và cảm giác chếnh choáng say men rượu nồng nàn là một trong những trải nghiệm mà bạn đều có thể thử ở chợ phiên khi du lịch Tây Bắc. Rượu táo mèo mua về làm quà cho người thân sẽ thêm ý nghĩa, gợi nhớ về vùng đất rẻo cao Tây Bắc một cách chân thực nhất.

Mật ong

Mật ong rừng Tây Bắc có màu vàng óng, mùi thơm dễ chịu và vị ngọt thanh mà không mật ong ở nơi nào có được. Đặc biệt, mật ong bạc hà ở Hà Giang vô cùng quý hiếm. Với nhiều công dụng cho sắc đẹp và sức khỏe, mật ong rừng mua về làm quà cho người thân sẽ là lựa chọn hàng đầu khi du lịch Tây Bắc.

Mắc khén

Mắc khén là một loại gia vị lạ chỉ có ở vùng rẻo cao là món quà lý tưởng trong chuyến du lịch Tây Bắc. Mắc khén có vị cay cay, thơm thơm và ngai ngái mùi núi rừng làm gia vị cho rất nhiều món ăn thêm phần hấp dẫn.

Măng lưỡi lợn khô

Măng lưỡi lợn với thành phần lớn chất dinh dưỡng, đặc biệt là chất xơ được xem là món quà quý giá cho người thành thị của du lịch Tây Bắc. Măng lưỡi lợn được người dân bản làm hoàn toàn thủ công, không có chất bảo quản và bảo quản được thời gian rất lâu.

Hạt dổi rừng

Hạt dổi rừng cũng là một loại gia vị tạo nên hương vị đặc trưng riêng của ẩm thực Tây Bắc. Hạt dổi có mùi thơm phức và không bị hắc, ăn kèm với món gà luộc, gà quay hay lợn mán quay,… thì  chắc chắn không thể nào quên được. Hãy mua hạt dổi làm quà du lịch Tây Bắc cho các bà nội trợ, đảm bảo họ sẽ thích mê.

Nấm hương khô

Nấm hương có rất nhiều ở khu vực núi rừng Tây Bắc. Nấm hương mua về làm quà chỉ cần ngâm qua nước sẽ nở ra và còn nguyên mùi hương của đất núi, phong vị của cây rừng.

Các loại trái cây đặc sản

Khí hậu ôn đới đặc trưng, vùng núi Tây Bắc có rất nhiều loại cây trái ăn quả. Trong đó phải kể đến quả thanh mai ở Lào Cai, đào bích nhị ở Sapa, mận tam hoa ở Bắc Hà, mận đỏ Tả Van ở Sapa, đào Pháp ở Mộc Châu,…Du lịch Tây Bắc, hãy mua những loại trái cây đặc sản này về làm quà bạn nhé.

5. Nhà nghỉ, khách sạn Tây Bắc

Sapa vẫn luôn là địa điểm du lịch vùng cao hút khách nhất vùng Tây Bắc, và khách sạn/khu nghỉ dưỡng ở đây rất đa dạng từ sang trọng đến bình dân. Khách sạn 3 sao Topas Ecolodge nằm giữa vùng rừng núi bạt ngàn, hướng về Vườn quốc gia Hoàng Liên quyến rũ. Từ khách sạn, bạn có thể nhìn toàn cảnh ra đồi núi trập trùng, không gian trong lành thoáng đãng duy chỉ vùng cao mới có.

Trong khi đó, Bamboo Sapa Hotel chuẩn 4 sao hiện đại và tiện nghi tại Sapa nằm ở độ cao hơn 1600 m so với mực nước biển, không khí tại đây luôn mát mẻ và trong lành, se lạnh, cùng tầm nhìn hướng thẳng ra dãy Hoàng Liên Sơn. Hotel de la Coupole – MGallery 5 sao tại trung tâm Sapa là sự lựa chọn hoàn hảo cho những chuyến đi cao cấp. Hotel de la Coupole – MGallery là một tác phẩm nghệ thuật hoà quyện giữa nét truyền thống của dân tộc thiểu số ở Sapa, mang thêm hơi thở quyến rũ của thời trang những năm 1920-1930 với phong cách thượng lưu của Pháp.

Pao’s Sapa Leisure nằm dọc trên triền đồi, sở hữu tầm nhìn ôm trọn núi non hùng vĩ, những thửa ruộng bậc thang mướt xanh và thung lũng Mường Hoa thơ mộng. Toàn bộ khách sạn mang thiết kế mềm mại với những đường cong uốn lượn uyển chuyển, hài hòa với khung cảnh thiên nhiên trữ tình xung quanh.

Pistachio Hotel Sapa mang kiến trúc đậm hơi thở bản địa trong không gian sang trọng, tại trung tâm thành phố Sapa, bạn sẽ rất dễ dàng đi đến những điểm tham quan khác trong thị xã. TRong khi đó, ở Mai Châu, khu nghỉ dưỡng Mai Châu đang rất hót. Nơi đây được bao quanh bởi những cánh đồng lúa xanh mướt, chìm đắm giữa thiên nhiên bao la rộng lớn. Mai Châu Ecolodge được xây dựng hoàn toàn từ các vật liệu tự nhiên với mái tranh, nội thất bằng tre, gỗ và vòi hoa sen ngoài trời. Hồ bơi ngoài trời rộng rãi mang đến những giây phút thoải mái cho bạn khi ở tại đây.

Nằm tại tỉnh Hà Giang trong lành xanh mát, Hoang Su Phi Lodge sở hữu những căn bungalow nằm trên những thửa ruộng bậc thang. Đến đây, bạn sẽ hoàn toàn chìm đắm vào không gian núi rừng Tây Bắc xanh ngút ngàn với hơi sương lảng bảng mỗi sớm, mùi cỏ cây ngai ngái, tiếng chim chóc hót vang núi rừng,… những điều chẳng bao giờ thấy ở chốn thị thành.

Ngoài ra bạn cũng có thể trải nghiệm ngủ đem tại nhà sàn hoặc homestay để khám phá văn hóa bản địa.

6. Kinh nghiệm du lịch Tây Bắc

Người dân bản làng ở vùng núi Tây Bắc tuy rất thân thiện, cởi mở nhưng họ có nhiều phong tục cần kiêng kỵ. Khi thăm bản làng các dân tộc ở vùng núi phía Bắc, bạn không nên mặc loại lanh trắng chưa nhuộm. Người dân tộc cho đó là màu sắc của tang lễ và đem đến điều không may mắn.

Bạn không được huýt sáo khi dạo chơi ở bản bởi những người dân tộc quan niệm việc huýt sáo là gọi ma quỷ về. Không xoa tay lên đầu trẻ em người Mông, Dao, vì theo quan niệm của họ, hồn người trú ngụ ở đầu. Nếu người lạ sờ vào, hồn sẽ hoảng sợ bỏ trốn, làm cho trẻ hay bị ốm đau. Cần tránh gọi các từ khiếm nhã như Mèo, Mán, mà nên gọi là đồng bào Mông, Dao. Bạn cũng không nên nói quá to với cử chỉ gay gắt.

Khi vào trong nhà, một số người dân tộc như người Hà Nhì đen thường nhà có hai lớp cửa. Bạn chỉ được vào cửa thứ nhất, gia chủ đồng ý mới được qua cửa thứ hai.

Vị trí quan trọng nhất trong nhà của đồng bào dân tộc là nơi thờ tổ tiên, thường đặt ở gian giữa hoặc góc đầu nhà sàn. Việc trang trí ở mỗi dân tộc có thể khác nhau, nhưng họ đều chung một quan niệm: nơi thờ tổ tiên là chốn linh thiêng nhất. Khách không được đặt mũ, nón, tư trang và đồ dùng khác ở nơi đó, không được sờ tay lên các đồ thờ cúng, khi ngồi không được quay lưng vào nơi thờ.

Bếp lửa vừa là nơi nấu nướng, vừa là nơi tiếp khách của đồng bào dân tộc, đồng thời cũng là nơi thiêng liêng thờ vua bếp, thần lửa. Bạn không được đặt chân lên hoặc làm xê địch hòn đá kê làm kiềng, vì theo quan niệm của một số dân tộc, các hòn đá này là nơi trú ngụ của thần lửa.

Trong ngôi nhà đồng bào dân tộc, cửa và cây cột chính là vị trí linh thiêng thờ thần cửa, thần cột cái. Vì vậy, không nên ngồi ở bậu cửa hoặc treo mũ nón và tựa lưng vào cột cái…

Tây Bắc hùng vĩ chưa bao giờ thôi hấp dẫn du khách. Hãy cùng VietSense Travel khám phá du lịch Tây Bắc với những trải nghiệm không thể nào quên bạn nhé!

HOTLINE
Tour trong nước:
Ms. Tuyết Chinh: 0916 172 338
Ms. Ngọc Anh: 0918 953 728
Tour nước ngoài:
Ms. Thư: 0944 738 228
Mr. Hoàng Minh: 0947 348 228
Top