Tất tần tật về Du lịch Lâm Bình Du khách cần biết

Thiên nhiên đã ban tặng cho Lâm Bình hệ sinh thái đa dạng có nhiều cảnh đẹp hùng vĩ, sơn thủy hữu tình. Nổi bật là 99 ngọn núi xã Thượng Lâm được ví như “Hạ Long cạn giữa đại ngàn”, với những dãy núi trùng điệp gắn với truyền thuyết về Phượng hoàng bay về và là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Lâm Bình là một huyện vùng cao phía Bắc của tỉnh Tuyên Quang với 12 dân tộc anh em cùng chung sống thuận hòa, trong đó dân tộc thiểu số chiếm đến 98%, phổ biến là dân tộc Tày, Dao, Mông, Pà Thẻn… Các dân tộc nơi đây vẫn giữ nguyên nét văn hóa truyền thống vốn có, từ tiếng nói, chữ viết, trang phục cho đến các tín ngưỡng dân gian, làn điệu dân ca, trò chơi và lễ hội truyền thống…Được thiên nhiên ưu đãi nên mỗi mùa Lâm Bình đều mang trong mình một vẻ đẹp riêng. Mùa xuân tràn đầy sức sống với những chồi non và hoa nở rực rỡ, mùa hè thì tươi mát với những khu rừng xanh mướt, mùa thu đẹp ngỡ ngàng khi sắc xanh dần chuyển mình thành sắc vàng, còn mùa đông sương phủ trắng xóa.

1. Thưởng ngoạn lòng hồ Na Hang

Xuôi theo lòng hồ Na Hang, huyện Lâm Bình, Tuyên Quang, dường như, mọi cảm giác mệt mỏi, ngột ngạt mau chóng tan biến bởi không khí trong lành, cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ của khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia đặc biệt Na Hang - Lâm Bình. Tôi vẫn ấn tượng mãi với những thắng cảnh ngoạn mục nơi đây như thác Khuổi Nhi, đền Pác Tạ, 99 ngọn núi được ví như Hạ Long cạn giữa đại ngàn, Cọc Vài, hang Khuổi Pín…

Trên đường di chuyển tới bến thuyền Thượng Lâm, chiêm ngưỡng núi Pác Tạ từ xa, ngọn núi cao nhất của huyện Nà Hang có hình chú voi đang đứng bên nậm rượu và lòng hồ Nà Chác trong xanh, cùng những cánh đồng lúa xanh mượt xen kẽ với núi đá vôi; những khu rừng nguyên sinh tĩnh mịch hoang sơ…

Thưởng ngoạn lòng hồ, du khách có cảm giác như đang ở vịnh Hạ Long thứ hai của Việt Nam vậy. Ở đây, hệ thống hồ trên núi, được bao bọc bởi những rặng núi đá vôi hình khối vô cùng đặc trưng được xếp lại kề nhau tạo nên một “bức tranh” phong cảnh, sơn thủy hữu tình, như một “nàng tiên xanh” nổi bật giữa đại ngàn…

Tất tần tật về Du lịch Lâm Bình Du khách cần biết - Ảnh 1

Rồi thắng cảnh Cọc Vài dần hiện ra với bao niềm cảm xúc. Cọc Vài vốn là một cột đá cao hàng trăm mét nằm sâu trong vùng 99 ngọn núi đá vôi vùng Thượng Lâm (Lâm Bình- Tuyên Quang). Trước khi có nước hồ thủy điện, hiếm có ai đến được nơi này bởi địa hình quá hiểm trở. Khi nước hồ dâng lên thì việc đến thăm thắng cảnh bằng thuyền trở nên dễ dàng hơn. Đến nơi đây, du khách vừa thưởng thức cảnh đẹp, vừa được nghe câu chuyện về chàng không lồ đắp đập ngăn nước cho dân bản mà không muốn dứt ra khỏi sự nguyên sơ và kì bí đó…

Đây là một trong những điểm dừng chân thú vị nhất trong chuyến khám phá hồ thủy điện Tuyên Quang. Từ Cọc Vài, sẽ được tự tay chèo lái con thuyền kayak khám phá thiên nhiên. Cảm giác dường như tôi đang bơi vào với cổ tích giữa đời thường để tận hưởng và cảm nhận được sự hùng vỹ của núi rừng, của vẻ đẹp non sông đất nước. Đây cũng là nơi rất gần với thác Pắc Ban (thác Mơ) kỳ ảo (được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch xếp hạng thắng cảnh quốc gia), đền Pác Tạ - nơi thờ Đức Thánh mẫu nương nương, thiếp của Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật; Khu Bảo tồn Thiên nhiên Tát Kẻ – Bản Bung, thác Khuẩy Súng, Khuổi Nhi, Khuẩy Me, Tin Tát, hang Phia Vài…

2. Thác Khuổi Nhi trải nghiệm cá tự nhiên mát – xa chân

Khuổi Nhi là thác nước rất đẹp, lại có cá tự nhiên mát – xa chân. Leo ngược lên dốc núi vài trăm bậc, những nỗ lực của chúng tôi được bù đắp bằng dòng nước mát lạnh. Và quả như lời đồn, ở ba tầng thác, cả đoàn được thưởng thức “dịch vụ” massage chân bằng cá suối trong thấu đáy ngay dưới tầng nước trắng xóa tuôn ào ào từ trên núi xuống.

Theo người dân địa phương kể lại, ngọn thác có câu chuyện truyền thuyết về đôi trai gái yêu nhau. Từ xa xưa, thủa còn hồ Na Hang còn chưa ngập nước, ở vùng này vẫn còn người dân sinh sống. Có một đôi trai gái yêu nhau nhưng không thể đến được với nhau. Trong một lần vì lạc mất nhau, cô gái đi tìm chàng trai mỏi miết mà không thấy nên đã hóa thành con thác. Chính vì thế, nhìn từ trên cao, thác nước này giống như mái tóc của một người thiếu nữ buông xuống mặt hồ phẳng lặng.

Tất tần tật về Du lịch Lâm Bình Du khách cần biết - Ảnh 2

Khu vực hồ và thác là nơi có hệ sinh thái phong phú, với nhiều cây cổ thụ lớn. Dọc đường lên thác, có những đoạn bướm bay thành từng đàn, tạo nên cảnh sắc rất nên thơ. Ở những vũng nước, khe nước dọc đường lên, chỉ cần bạn dừng lại nghỉ chân, ngồi bên vũng nước, thả chân xuống chỉ chừng một phút thôi là cả đàn cá sẽ bơi lại và thi nhau rỉa.

Cá ở đây khá dạn người, khua nhẹ chân là chúng tản đi, nhưng chỉ chừng chưa đầy một phút, cả bầy quay trở lại, ríu rít lao vào chân du khách. Rất nhiều du khách đã trầm trồ thích thú bởi ở những nơi làm dịch vụ massage cá khác, thông thường cá được thả trong bể và khách ngồi trên ghế thả chân xuống bể. Riêng ở đây, thiên nhiên hoang sơ, bầy cá tự nhiên, ngồi giữa trên những tảng đá lớn mịn nhẵn, dưới tán cây rừng cổ thụ, tiếng ve rừng, tiếng chim hót khắp tán rừng trên rừng dưới…

Đường lên núi cũng là một điểm đặc biệt ở đây. Không có đường, không có bậc, chỉ có những vết lõm được đục vào đá, vào đất dọc con đường lên để lấy đúng chỗ đặt vừa bàn chân cho khách bộ hành.

Những vũng nước dưới chân thác khá rộng đủ để du khách bơi thoải mái. Tuy nhiên, độ sâu của những vũng nước này không đều, có đoạn ngập ngang mặt người lớn, có đoạn chỉ nông ngang bàn chân, dưới đáy vũng lại nhiều đá, rong rêu.

3. Vào Hang Khuổi Pín kỳ vĩ

Khám phá rừng nghiên nguyên sinh và hang Khuổi Pín, một hang động rộng lớn, kỳ vĩ chưa chính thức mở cửa đón du khách. Theo một cán bộ kiểm lâm, hang Khuổi Pín (còn gọi là hang Gió). Đây là hang động tuyệt đẹp trên núi Khuổi Pín, xã Khuôn Hà, huyện Lâm Bình, thuộc vùng lòng hồ Thủy điện Tuyên Quang. Để đến với hang Khuổi Pín, chúng tôi phải mất chừng 2,5 tiếng đi bộ ngược dốc cao, qua những khu rừng già nguyên sinh nhiều cây to, suối cạn, dốc đá tai mèo…

Tất tần tật về Du lịch Lâm Bình Du khách cần biết - Ảnh 3

Hang Khuổi Pín cách mặt nước hồ thủy điện Na Hang khoảng 1.500 m, lòng hang dài chừng 500 m, chỗ rộng nhất trên 300 m, chỗ cao nhất trên 100 m. Trong hang có nhiều nhũ đá vôi với những hình thù kỳ thú tuyệt đẹp, màu sắc lấp lánh. Nước trên vòm hang chảy nhỏ giọt, róc rách qua hàng triệu năm tạo ra nhũ đá hình trái tim, bông hoa, bình rượu, ngai vàng, măng nhú giăng hàng lớp cao, lớp thấp và những bức phù điêu tuyệt đẹp. Vẻ đẹp nguyên sơ của hang Khuổi Pín được kiến tạo qua hàng nghìn năm bởi những giá trị của sự kết tinh từ những nhũ đá khổng lồ. Màu sắc từ những nhũ đá tạo ra một vẻ đẹp kỳ vĩ mà bí ẩn mơ hồ.

Hiện nay, hang Khuổi Pín đã và đang được chính quyền huyện Lâm Bình cùng với Ban quản lý Khu du lịch sinh thái Na Hang bảo vệ và tương lai cần có một chiến lược khai thác hợp lý để góp phần phát triển đa dạng các loại hình du lịch của tỉnh Tuyên Quang.

4. Khám phá rừng nghiến cổ thụ

Tất tần tật về Du lịch Lâm Bình Du khách cần biết - Ảnh 4

Đây cũng là trải nghiệm vô cùng đặc sắc trong hành trình khám phá Lâm Bình của tôi. Khu rừng có hàng nghìn gốc nghiến, trong đó đa phần đường kính thân từ 2 đến 4 mét, có cây tới 10 người ôm. Đây cũng là nơi sinh sống của nhiều cá thể có tên trong sách đỏ như vọoc đen má trắng, vọoc mũi hếch, gấu..., cùng nhiều động vật quý hiếm khác. Hang và khu rừng nếu được đưa vào khai thác sẽ là “đặc sản” du lịch hiếm có, không chỉ của Lâm Bình mà còn của cả tỉnh Tuyên Quang, là điểm đến hấp dẫn cho du khách trong và ngoài nước.

5.Tìm hiểu Lễ cấp sắc độc đáo của đồng bào Dao

Theo tiếng địa phương, cấp sắc được gọi là quá tang hay quá tăng. Quá nghĩa là từng trải hoặc qua thử thách; tang là đèn hoặc vật dụng dùng để soi sáng. Bởi vậy tên gọi quá tang có nghĩa là trải qua lễ soi đèn, soi sáng người được thụ lễ trong tiến trình cấp sắc. Sự tích lễ cấp sắc được người Dao truyền tụng rằng, ngày xưa, khi tổ tiên người Dao đang sinh sống yên ổn trên các triền núi, bỗng đâu ma quỷ xuất hiện phá hoại mùa màng, giết hại con người và vật nuôi... Thấy vậy, Ngọc Hoàng lệnh cho các vị thần tiên truyền phép thuật cho người đàn ông làm chủ gia đình trong bản, rồi cấp một đạo sắc phong thầy để cùng quân nhà trời trừ yêu diệt quái. Từ đó, để đề phòng ma quỷ quấy phá, Ngọc Hoàng ban lệnh cấp sắc (quá tăng) cho người đàn ông có lòng muốn giúp dân trừ họa. Lễ cấp sắc ra đời và là một trong những nghi lễ độc đáo được lưu truyền hàng nghìn đời nay trong cộng đồng dân tộc Dao.

Lễ cấp sắc thường diễn ra vào dịp cuối năm hoặc tháng giêng (âm lịch). Lễ cấp sắc có nhiều bậc: 3 đèn, 7 đèn và 12 đèn. Ông thầy trong lễ cấp sắc là thầy cao tay, ngày tháng cấp sắc được chọn rất cẩn thận, người được cấp sắc cũng phải thuần thục các nghi lễ trong các bản sắc. Buổi lễ cấp sắc có thể làm thủ tục cho một người hoặc vài người cũng được nhưng phải là số lẻ. Trước khi hành lễ, người cấp sắc phải kiêng khem như không được nói tục chửi bậy, không được quan hệ vợ chồng, không được để ý đến phụ nữ...

Trong mỗi lễ cấp sắc thường có 6 thầy cúng, gồm 3 thầy chính và 3 thầy phụ. Thầy chính thứ nhất (thầy cả) thường mặc áo tạo - loại áo thêu hình rồng và nhiều họa tiết trang trí, thầy thứ 2 mặc áo vàng, thầy thứ 3 mặc áo đỏ; 3 thầy phụ giúp các thầy chính mặc áo, thay áo trong quá trình thực hiện nghi lễ.

Trình tự lễ cấp sắc thường diễn ra trong 3 ngày, ngày thứ nhất lễ cấp sắc diễn ra ở ngoài trời, ngày thứ 2 người thụ lễ vào nhà để nghe thầy cả đọc các loại sách cúng, thầy cả đọc lệnh cấp sắc, lúc này người thụ lễ đã trở thành con người mới cả về thể xác và tâm hồn. Sau đó, người thụ lễ được các thầy dạy múa như múa chùm cheng (múa chuông), múa sa ma. Ngày thứ 3, tiến hành lễ tạ ơn tổ tiên.

Theo quan niệm của người Dao, lễ cấp sắc là một thủ tục không thể thiếu của người đàn ông người Dao. Đối với người đàn ông dân tộc Dao được cấp sắc mới được coi là người đàn ông đã trưởng thành và có đủ thẩm quyền tham gia các công việc của cộng đồng như: Thầy cúng, ông mối làng…

6. Nghệ thuật vẽ sáp ong của đồng bào Dao Tiền

Qua đôi bàn tay khéo léo của những người phụ nữ, sáp ong được thêu lên vải chàm trang trí viền áo, váy tôn lên nét đẹp độc đáo mang tính biểu trưng của người Dao Tiền. Đó có thể là những ý niệm về vũ trụ, về nhân sinh quan, thế giới quan, về thiên nhiên, về cuộc sống mang đậm triết lý nhân sinh, thể hiện khát vọng về cuộc sống ấm no, hạnh phúc…

Đồng bào Dao lấy sáp ong từ những tổ mật ong rừng đem về, sau khi tách mật sẽ lấy sáp bỏ vào nồi nước rồi đun sôi, lọc lấy phần nước trong. Đun phần trong cho đến khi nước cô đặc, thì đổ ra để nguội khoảng 2-3 ngày sẽ tạo thành một khối sáp mịn. Đun sáp ong phải chú ý độ đậm đặc, bởi đặc quá thì sáp không ăn vải, còn loãng quá in hoa văn sẽ bị nhòe.

Dụng cụ in sáp là tre vót mỏng, được uốn hình tam giác với nhiều kích thước, để tạo các hoa văn khác nhau. Người Dao đặt phần vải màu trắng cần in hoa văn lên trên mặt phẳng như phiến đá, mặt bàn..., dùng đá mài vải cho nhẵn, mịn rồi lấy một phần sáp ong trong khối sáp đun nóng để in. Sáp ong được đặt lên than hoa, để lửa nhỏ đủ độ nóng, in thật ăn vải và rõ nét hoa văn.

Dùng dụng cụ bằng tre nhúng vào sáp ong, vẽ hoa văn theo chủ định lên vải. Sau khi in, phải chờ sáp ong khô rồi đem nhuộm chàm, phơi. Khâu cuối cùng là nhúng vải vào nước sôi để sáp ong tan ra, các hoa văn đã in sẽ hiện ra rõ nét trên nền chàm.

Chỉ riêng công đoạn vẽ sáp ong đã mất hàng ngày, thậm chí vài ngày nên mỗi bộ váy, áo thổ cẩm của đồng bào Dao Tiền ở đây vô cùng đặc sắc, tỉ mỉ, có giá hàng triệu đồng, thậm chí cả chục triệu đồng.

7. Tộc người Thủy và hòn đá thần có thật

Đến với thôn Thượng Minh, xã Hồng Quang, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang, bạn sẽ vô cùng ngạc nhiên khi biết rằng ở đây là nơi trú ngụ của tộc người Thủy, chưa được có tên trong danh sách 54 dân tộc anh em dù có trang phục, tiếng nói, chữ viết riêng và cả hòn đá thần của họ vẫn hiện hữu giữa đời thực. Cùng với đó là trang phục đặc sắc của phụ nữ Pà Thẻn và nghi lễ nhảy lửa thần bí, huyền hoặc nơi trần thế. Tất cả đều khó tưởng, khó tin và khó quên.

Rời Khuổi Soan, chúng tôi lên xe máy đi tiếp 4km theo con đường độc đạo tới thôn Thượng Minh, xã Hồng Quang để tìm hiểu cuộc sống, sinh hoạt của người Thủy. Đây là tộc người duy nhất chỉ có ở Lâm Bình, với văn hóa, tín ngưỡng, trang phục, tiếng nói riêng, nhưng chưa nằm trong 54 dân tộc Việt Nam.

Theo thống kê của xã Hồng Quang (Lâm Bình - Tuyên Quang), trên địa bàn có 21 hộ, với 101 người dân tộc Thủy, trong đó có 77 người đang cư trú tại xã, số còn lại phân tán ở các nơi khác do kết hôn, đi làm ăn xa. Theo các bậc cao niên truyền lại, người Thủy vốn sống ở Quý Châu, Trung Quốc. Lúc bấy giờ do một nhánh của người Mông sống cạnh sông suối nên người Thủy được gọi là Mông nước. Cái tên tộc người Thủy chỉ xuất hiện khi đến cư trú tại Việt Nam.

Vị thầy mo của người Thủy cho biết, người Thủy luôn có thần linh soi đường, mở lối, mách bảo mọi người tìm ra ánh sáng, lẽ phải ở đời. Bao đời nay thần linh vẫn trú ngụ trong hòn đá thiêng mà người Thủy xem như báu vật vô giá. Hòn đá thần- vật linh thiêng tiền nhân để lại cho những người uy tín của tộc Thủy cất giữ to chừng nắm tay, xù xì như bao hòn đá mà mọi người vẫn thấy dọc bờ sông, bờ suối. Chỉ khác một điều là nó có lỗ thủng, có thể xâu dây qua, treo lủng lẳng.

Hòn đá thiêng này gắn bó với cộng đồng người Thủy trong hành trình thiên di xuống phương Nam. Khi còn ở quê cũ, tộc Thủy sở hữu một hòn đá thiêng khác, có thần linh hộ mệnh, người Mông nước hùng cường, khiến nhiều tộc khác ghen tị. Biết đối thủ có bảo vật hộ thân nên một tộc khác đã cho gián điệp đánh cắp hòn đá rồi dùng tà thuật làm tan biến hết phép nhiệm màu. Đây được cho là nguyên nhân khiến người Mông nước suy vong, sau cùng phải từ bỏ mảnh đất đang gắn bó đi xuống phương Nam sinh sống. Đá thiêng giúp người Thủy vượt qua sóng gió, vận hạn. Và, dưới sự nhiệm màu của đá, con trâu thả trên rừng béo tròn, cây lúa cắm dưới ruộng trĩu bông, con cá thả dưới ao mau lớn. Không chỉ đem lại ấm no, an lành mà theo quan niệm của người Thủy, đá thiêng còn giúp dân làng chữa bệnh.

8. Trang phục phụ nữ Pà Thẻn độc đáo

Thôn Thượng Minh cũng là nơi sinh sống của người Mông, người Dao, người PàThẻn ở Lâm Bình. Tản bộ quanh thôn, chúng tôi được trải nghiệm cách dệt vải, vấn khăn, chải tóc, mặc trang phục của người Pà Thẻn, ai cũng có được những bức ảnh cực kỳ ưng ý.

Từng đi dọc khắp các miền Bắc, Trung, Nam, có lẽ, những bộ trang phục của phụ nữ Pà Thẻn với màu sắc, họa tiết hoa văn đặc trưng khó có thể lẫn với các dân tộc khác làm tôi ấn tượng mạnh.

Người dân nơi đây cho biết, do định cư trên núi cao, thường xuyên phải chống chọi với thiên tai, nắng gió nên trang phục truyền thống của người phụ nữ Pà Thẻn hết sức kín đáo từ bàn chân, ống chân cho đến đỉnh đầu. Điều dễ nhận biết về người Pà Thẻn chính là trang phục của người phụ nữ. Màu chủ đạo trên trang trang phục của phụ nữ Pà Thẻn là màu đỏ, bởi vậy giữa màu xanh ngút ngàn của núi rừng, bộ trang phục màu đỏ tươi càng làm nổi bật vẻ đẹp của phụ nữ Pà Thẻn. Theo phong tục truyền thống của người Pà Thẻn, màu đỏ cũng là màu mang ý nghĩa đặc trưng của dân tộc Pa Thẻn.

Tất tần tật về Du lịch Lâm Bình Du khách cần biết - Ảnh 5

Theo truyền thống của dân tộc Pà Thẻn, một thiếu nữ Pà Thẻn trưởng thành, chuẩn bị đi lấy chồng thì phải tự tay mình thêu, dệt được bộ khăn, váy, áo để về nhà chồng cùng các vật dụng khác như chăn, gối. Vì vậy, trang phục của phụ nữ Pà Thẻn không chỉ là chuyện ăn mặc mà còn đánh dấu sự trưởng thành của người con gái mới lớn, là truyền thống trong mỗi gia đình.

Vào dịp cuối năm, khi mùa màng đã thu hoạch xong, phụ nữ Pà Thẻn lại miệt mài bên khung cửi tự dệt, may váy áo, trang phục cho cả gia đình. Các chàng trai Pà Thẻn đến tuổi trưởng thành chọn bạn đời thường tìm đến các cô gái đang chăm chỉ ngồi bên khung cửi. Những tấm thổ cẩm đẹp, nhìn những  đường thêu, mũi chỉ, hình hoa văn đẹp trang trí trên bộ áo váy của các thiếu nữ chính là điểm để những chàng trai nhận biết về sự khéo, đảm của cô gái mà họ sẽ ướm hỏi làm vợ sau này. 

Bộ nữ phục của người Pà Thẻn bao gồm: Khăn, áo, thắt lưng, váy, yếm. Nữ thường để tóc dài vấn khăn quanh đầu, hai đầu khăn có đính hai chùm tua rua màu vàng, đỏ trông đẹp và lạ mắt. Khăn có hai loại là khăn quấn trong màu đen và khăn quấn ngoài màu đỏ. Sự độc đáo trong trang phục nữ của người Pà Thẻn được biểu hiện ở lối tạo dáng áo dài, cách dùng màu và lối mặc, tạo nên một phong cách riêng. Phụ nữ Pà Thẻn đội khăn quấn thành nhiều vòng trên đầu, quấn thành mái xòe rộng như mũ, hoặc lối đội khăn tạo thành mái nhô ra hai bên mang tai.

Một điểm đáng chú ý trong trang phục của phụ nữ Pà Thẻn có thể kể đến chiếc áo được may không có cổ, khi mặc hai thân trước vắt chéo nhau và thân áo phía sau dài hơn thân trước. Ống tay và toàn bộ thân áo được trang trí màu sặc sỡ để tạo dáng thêm cho chiếc áo. Các cô gái trẻ thường mặc thêm một chiếc áo sơ mi ở bên trong và lật cổ áo ra bên ngoài tạo thành cổ áo mềm mại, nổi bật trên nền vải đỏ. Thêm vào trang phục áo là chiếc dây quấn quanh eo buộc thắt trước bụng tăng thêm vẻ cân đối duyên dáng cho bộ trang phục.

Góp phần tăng thêm vẻ đẹp của bộ trang phục là chiếc váy màu đỏ với những mảng được phối màu hài hòa giữa nghệ thật dệt thổ cẩm và ghép vải kết hợp các mảng mầu đen ở hai bên cánh tay. Trên nền vải đỏ của thân áo tay áo, gấu là những dạng hoa văn hình học, hoa văn hình chữa A, hình thoi, hình núi, hình sao, hình mắt cua, hình chân gà…được khéo léo trang trí cho các mảng màu.  Đó là chính là tinh hoa truyền thống được các thế hệ trước truyền dạy lại cho thế hệ sau.

Cùng với trang phục, phụ nữ Pà Thẻn còn làm đẹp bằng các đồ trang sức như vòng cổ, vòng tay, Phụ nữ Pà Thẻn thường đeo vài chiếc vòng bạc. Màu trắng của vòng bạc nổi bật trên nền đỏ, hoa văn trên áo và người Pà Thẻn cũng đã tạo cho bộ trang phục mang những nét khác biệt nhất định.

Nhìn tổng thể, bộ trang phục của phụ nữ Pà Thẻn thể hiện kỹ thuật ghép vải và thêu chỉ màu hài hòa. Xen giữa các mảng dêt mảng hoa văn, còn là các hoạt tiết thêu bằng tay với nhiều màu sắc sặc sỡ, làm cho các mảng màu thêm nổi bật. Chính điều đó làm cho các bộ trang phục của phụ nữ Pà Thản vừa độc đáo vừa mang đậm bản sắc văn hóa của dân tộc mình.

Những con đường ở thôn Thượng Minh sạch sẽ hơn tất thảy những miền quê làm nông nghiệp khác, hoa cúc dại mọc khắp hai bên đường, trước cổng nhà càng trở nên rực rỡ trong ánh hoàng hôn. Hương thơm của cỏ cây, núi đồi theo những con gió se se lạnh khi mặt trời dần xuống núi khiến chúng tôi quên hết thảy âu lo thường nhật, để hít hà trọn vẹn hương vị nguyên sơ của núi rừng.

Và còn gì tuyệt vời hơn khi trong buổi hoàng hôn chuếnh choáng ấy, được cùng những chàng trai, cô gái Pà Thẻn lội suối bắt cá bống, ốc về chế biến ra những món ngon nuốt lưỡi. Ốc đá ở đây khi hấp cùng lá chanh hương thơm bay ngạt ngào khó cưỡng, cá bống suối nấu canh lá giang thanh thanh, bùi bùi, chua chua hoặc làm mắm đưa cơm khó tả. Thịt lợn tên lửa hấp, nướng, xào món nào cũng thơm nức, nhai chầm chậm rồi nhấp chén rượu ngô thì tuyệt cú mèo. Đặc biệt, món rau dớn luộc chấm với mắm các bống vừa thanh tao vừa đậm đà thật khó quên.

9. Nghi lễ nhảy lửa thần bí

Bất ngờ được chiêm ngưỡng nghi lễ nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn, một nghi lễ vô cùng độc đáo, huyền bí và mãn nhãn vào buổi tối tại một khu  đất trống rộng giữa thôn. Có lẽ, viết 10 trang giấy vẫn chưa hết những điều thần bí, tuyệt diệu của nghi lễ nhảy lửa. Đây là lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc Pà Thẻn; một sinh hoạt văn hóa mang tính tâm linh, thể hiện sức mạnh phi thường dám đương đầu với nguy hiểm, xua đuổi tà ma, bệnh tật của người dân Pà Thẻn. Ngoài sự thần bí linh thiêng, nghi lễ thể hiện sự cầu mong sức khỏe cho dân làng, mùa màng bội thu cho bà con trong năm mới.

Để được chọn tham gia nhảy lửa các thanh niên được chọn phải được cấp sắc, khỏe mạnh, thông minh, có đạo đức và không vi phạm những điều xấu. Trước tiên, thầy mo sẽ làm lễ cầu thần linh trên một chiếc ghế dài. Gõ hai vật bằng sắt, phát ra những âm thanh gấp gáp, liên tục. Liên tục từ hai đến năm giờ đồng hồ trước mỗi buổi lễ, để cho phép người Pà Thẻn có được sức mạnh phi thường để nhảy vào đống lửa.

Tất tần tật về Du lịch Lâm Bình Du khách cần biết - Ảnh 6

Lễ vật cúng tế gồm có 1 bát hương, 1 chiếc đàn sắt, 1 con gà, 10 chén rượu, tiền giấy. Khi một đống lửa lớn được đốt lên ở giữa bãi để thành than nóng cho những người nhảy lửa biểu diễn cũng là lúc thầy mo bắt đầu làm lễ. Khi thầy mo gõ vào đàn và làm lễ cúng, từng thanh niên sẽ ngồi cạnh thầy mo. Đó chính là lúc nhập đồng cho người nhảy lửa. Có một vòng người trên chiếc sân rộng. Ðống lửa đang cháy rừng rực ở giữa sân. Tiếng gõ của ông thầy mo vẫn vang lên mỗi lúc một gấp gáp hơn. Những người thanh niên Pà Thẻn tham gia lễ hội bắt đầu tụ tập xung quanh thầy mo và lần lượt thay nhau ngồi lên chiếc ghế dài. Trong phút chốc, họ rung bần bật, người cúi xuống và bắt đầu nhảy lên từng lần một, cùng lúc bằng cả hai chân. Trong khi đó, một người khác thì chạy vòng xung quanh sân, thỉnh thoảng lại bốc lên tay một viên than hồng cho vào miệng nhai, người này luôn ăn than và khi đã đến một độ nào đó, mới nhảy vào luôn.

Những thanh niên cúi gập người, nhảy lò cò bằng cả hai chân trên cát xung quanh đống lửa. Họ nhảy hẳn vào đống lửa và lại nhảy ra trong tiếng hò reo cuồng nhiệt của mọi người. Than đỏ văng tứ tung ra chung quanh. Ngọn lửa như lại bốc cao hơn, ngùn ngụt bởi những tàn than đỏ đang bay lên. Cứ như thế liên tục, những thanh niên, trong tiếng gõ của thầy mo nhảy vào lửa và có người còn nằm hẳn trên đống lửa rồi mới nhảy ra ngoài.

Tất cả chúng tôi chứng kiến những hình ảnh ma mị, rực rỡ, mạnh mẽ ấy đều mặt mày há hốc, thất lên những lời than phục, những tiếng vỗ tay ngày càng to. Dường như, người được nhập đồng nhảy vào đống lửa mà không có cảm giác bỏng rát hay sợ hãi gì. Mỗi người thường nhảy lửa trong vòng 3-4 phút, sau đó tỉnh cơn và tiếp tục làm lễ nhập đồng. Một người có thể tham gia nhảy nhiều lần, qua đó thể hiện sức mạnh, sự khéo léo và nhanh nhẹn của mình.

Cho đến lúc lửa tàn hẳn, thầy cúng sẽ đọc bài cúng tiễn các ma về trời, lúc này những người tham gia lễ nhảy lửa mới dần tỉnh táo lại, điều kì lạ là họ không thấy đau và cũng không hề bị bỏng. Lễ hội kết thúc thầy cúng đọc bài cúng cảm ơn các vị thần đã xuống góp vui cho dân làng, cầu mong các vị thần phù hộ cho dân làng được ấm no, mạnh khỏe, hẹn lần nhảy lửa sau sẽ lại mời các thần xuống tham gia.

Lê xe máy rời thôn Thượng Minh lúc 20 giờ, chúng tôi ngược ra trung tâm xã Hồng Quang để lên xe về trung tâm huyện Lâm Bình nghỉ đêm. Trên xe, những lời thán phục về nghi lễ nhảy lửa thần bí, về cảnh sắc thiên nhiên, con người Hồng Quang dường như không có hồi kết. Đối với cá nhân tôi mà nói, du lịch Lâm Bình mà không được xem nghi lễ nhảy lửa thì chuyến đi coi như chưa trọn vẹn.

 

10. Sự tích chàng Tài Ngào trung hiếu

Khi màn sương giăng nhè nhẹ phủ mờ các ngọn núi, ánh đén dần tỏ trong những khu nhà sàn của người địa phương, gia chủ dọn bàn ghế ra khoảng sân rộng, bài trái cây, ngô, khoai đã luộc mời đoàn trải nghiệm và giao lưu văn nghệ cùng đồng bào với những điệu hát Then, Cọi, đàn Tính, múa khèn của đồng bào nơi đây. Còn có cả trò chơi thi ném còn có thưởng vui nhộn khiến ai nấy cười khản cả tiếng.

Đối lập với hình ảnh các chàng trai Mông mạnh mẽ, uyển chuyển nhảy theo điệu khèn réo rắt mời gọi bạn tình là những thiếu nữ Pà Thẻn lại đầy e ấp trong bộ váy áo sặc sỡ, hay khuôn mặt hồn nhiên, trong trẻo của những cô bé người Tày say sưa đàn hát những làn điệu then truyền thống...

Nhưng chưa hết, ở homestay này, chúng tôi còn được nghe kể về sự tích Tài Ngào cũng là tên của homestay, gắn liền với Cọc Vài – dịch theo tiếng Tày nghãi là “Cọc buộc trâu” mà mỗi người dân Lâm Bình đều nằm lòng.

Truyện kể rằng, Tài Ngào là một chàng trai khổng lồ, chăm chỉ, chịu khó. Năm đó hạn hạn kéo dài, chàng nghĩ mãi rồi mới quyết định đắp đập ngăn sông cho nước dâng lên để lấy nước giúp dân làng. Ngày ngày chàng ra sức đồn đập ngăn sòng cho nước dâng lên để lấy nước từ tận chân núi Pắc Tạ ngược lên vùng Đức Xuân, Thúy Loa để chuẩn bị lấp tận chỗ núi đổ bởi tại nơi này lòng sông hẹp mà hai bên lại có núi cao sừng sững. Công việc đang đến lúc gần xong thì có một kẻ xấu trong bản muốn cản trở công việc của chàng ben nhằm lúc chàng đang mải dồn đá, hắn bèn đến và nói dối rằng mẹ chàng ở nhà ốm nặng và đã qua đời. Tài Ngào tưởng thật vội làm chiếc quan tài bằng đã vác về để chôn cất mẹ. Về đến nhà, thấy mẹ đang ngủ say. Tài Ngào tưởng mẹ đã chết liên lấy tay vuốt mắt mẹ. Nào ngờ bàn tay khổng lồ của chàng đã làm móp thái dương mẹ khiến mẹ tắt thở.

Thương mẹ, tài ngào kêu gào thẳm thiết, nước mắt của chàng chảy thành sông làm cuốn trôi chiếc quan tài đá và thi hài người mẹ. Thi hài người mẹ trôi mất không tìm thấy còn chiếc quan tài thì vướng lại chỗ tài ngào đang dắp đập dở, nằm bên bờ sông gâm. Bãi đá đắp đập dở tạo thành ủn trên dòng sông. Vào mùa cạn thuyền qua lại phải khiêng qua vì ở đó có rất nhiều đá. Cọc Vài là “cọc buộc trâu” của Tài Ngào khi chàng cáo đá để dắp đập.

12. Tinh hoa ẩm thực 12 dân tộc Lâm Bình

Ngoài cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ, văn hóa đậm đà bản sắc, du lịch Lâm Bình còn có văn hoá ẩm thực phong phú, hội tụ tinh hoa của 12 dân tộc sinh sống. Từ những món rau rừng có mùi vị đặc trưng như rau hôi, rau bò khai, rau dớn... đến các động vật được nuôi "sạch" ngoài thiên nhiên như gà đồi, vịt suối, dê thả rông, cá bỗng dông Gâm... qua bàn tay chế biến khéo léo cộng hưởng với những loại nước chấm, gia vị riêng biệt của núi rừng đều đạt tới đỉnh cao

Rời khu rừng, chúng tôi trở về trung tâm huyện, tới xã Thượng Lâm nghỉ tại homestay Tài Ngào. Chủ nhà thiết đãi chúng tôi những bắp ngô, củ khoai ngọt lịm tim, nóng hôi hổi. Nước nóng đã bật, chăn ấm, nệm êm, màn đã mắc sẵn cho khách thật chu toàn. Khắp các gian phòng, cả nhà vệ sinh đều thơm lung hương xả chanh dễ chịu.

Tối hôm đó, chúng tôi được thưởng thức ẩm thực đỉnh cao của Lâm Bình. Đầu tiên, món vịt suối gây ấn tượng với thực khách bởi nước chấm rất đặc trưng, được chế biến từ chính nước luộc vịt, nêm thêm chút muối tinh rồi thả đôi nhúm rau răm thái nhỏ, miếng tiết vịt rằm nhuyễn, tất cả quện lại tạo nên thứ nước chấm sền sệt, béo nhưng không ngậy, vừa đậm đà lại có chút cay cay, thanh thanh - một hương vị độc đáo, khó quên.

Tuyệt vời hơn là món gỏi bỗng hay còn được gọi là “cá vua” sống ở sông Gâm. Bố vợ của Chẩu Ngà là người đàn ông Tày đầu tiên ở Thượng Lâm thành công trong việc nuôi cá bỗng trên sông Gâm. Bởi thế, con cá anh chế biến tươi rói, nặng 5-6kg còn đang ngúng nguẩy trước sự chứng kiến của thực khách.

Đôi tay Chẩu Ngà khéo léo làm sạch con cá, phi lê và thái lát mỏng làm gỏi. Một nửa còn lại tẩm lá chanh rồi kẹp vào thanh nứa nướng trên than củi. Vị mặn, đắng của lá chanh, nứa tươi kết hợp với thịt cá thơm ngọt tạo nên mùi vị đặc biệt. Khi nướng, nứa non sẽ tứa nước ra ngấm vào cá, tạo nên hương vị độc đáo. Thịt cá ngọt thơm, săn chắc, nước mỡ dính như keo bên ngoài khiến vảy cá vàng ươm, ăn giòn tan.

Gắp một miếng cá nướng, thêm một vài lát dứa, chuối chát, khế xanh và những cọng rau thơm xanh mát... chấm thật nhẹ nhàng vào bát nước chấm thơm ngon, quý thực khách sẽ có cảm nhận như đang tận hưởng từng hương vị đặc biệt của cuộc sống. Món ăn này được ví như một bản giao hưởng bởi ở đó là sự hội tụ và hòa quyện nhuần nhuyễn của các loại nguyên liệu, các tinh hoa của trời và đất.

Trong khi đó, gỏi cá bỗng là một món ăn nhiều chất bổ dưỡng và dành cho các thực khách tinh tế. Gắp một lát cá tươi hồng, nhúng nhẹ nhàng vào bát nước cốt chanh sau đó chấm với một loại nước chấm đặc biệt và bắt đầu thưởng thức. Thực khách sành ăn sẽ cảm nhận được hết vị ngon ngọt đậm đà của cá, một chút chua, thơm thanh nhẹ của chanh, một chút cay của mù tạt và hạt tiêu hòa quyện vào nhau.

Giá trị dinh dưỡng của cá bỗng cao nên thường để dành chế biến cho người ốm, phụ nữ sau khi sinh. Chính vì độ ngon và quý hiếm của loài cá này khiến những người được thưởng thức một lần đều nhớ mãi và sẵn sàng chi một khoản tiền lớn để thưởng thức lại.

Đặc biệt và hấp dẫn không kém là món nộm da trâu sần sật, giòn giòn. Chẩu Ngà, ông chủ người Tày của homestay này cho biết, để làm mềm hóa sự dai và cứng của da trâu, người Tày phải hơ miếng da qua lửa rồi ngâm với nước lã. Sau khi đủ độ, với con dao thật sắc, dùng hết sức để thái mỏng miếng da dầy đó. Thật lạ, miếng da trâu đen xì, dầy bịch ban đầu, qua vài công đoạn tưởng như giản đơn đó lại biến thành món cực hấp dẫn từ ánh nhìn. Khi thái mỏng tang, miếng da trâu giờ có màu vàng của quả chanh Tây, bên trong là màu vàng nhạt, trong trong, cắn thử lại sần sật, giòn giòn, là lạ khi có chút hạt mắc khén đặc trưng. Đặc biệt, cái làm nên sự quyến rũ của nộm da trâu chính là vị chua của nước măng chua, chứ không phải của chanh hay giấm. Đó là vị chua thơm, thanh thanh. Nước măng chua muốn ngon phải ngâm bằng thứ măng củ tươi, nước suối và thêm những gia vị cần thiết. Măng cũng phải có thời gian để "ngấu" tiết ra thứ nước chua thanh mát mới đúng điệu để trộn món nộm này.  Thưởng thức gắp nộm da trâu giòn giòn, đanh đanh, hơi giống vó bò nhưng giòn hơn, thớ thịt lại khác, uống một chén rượu ngô thật tuyệt vời.

Trên chiếc mẹt còn có món đuông cọ béo múp, mỗi con to bằng ngón tay cái xào măng. Vị béo ngậy của đuông cọ kết hợp với vị chua của măng tại thành bản giao hưởng đầy hương vị trong miệng thực khách, khiến ai can đảm và ăn được món này đều nhớ mãi khôn nguôi… Tất cả những món ăn là minh chứng cho kỹ nghệ chế biến ẩm thực đỉnh cao của đồng bào Tày nói riêng, du lịch Lâm Bình nói chung.

Lại nhớ, buổi sáng nay, gia chủ làm món đặc sản bún vịt phục vụ đoàn. Bát bún to gấp đôi bát bún thường ngày tôi vẫn ăn, đầy đặn và bắt mắt. Những miếng thịt vịt chặt xen vịt băm ăn với bún chua của người Tày béo mà không ngấy, ngầy ngậy, ngọt mà thanh, mát mịn, ăn cùng rau thơm, đặc biệt là rau dăm vô cùng hợp vị.

Bún chua của người Tày cũng kỳ công lắm nhé. Để làm nên những mẻ bún thơm ngon, việc quan trọng đầu tiên là bí quyết từ khâu chọn gạo. Gạo làm bún phải là gạo Khang Dân, loại gạo làm cho sợi bún khô, không làm cho sợi bún nát, dính bết như các loại gạo khác. Thời gian để làm được món bún này mất khoảng một tuần. Trước tiên là ngâm gạo vào chum cho đến khi nào hạt gạo hoai mềm và có mùi chua (càng chua thì càng ngon). Ngâm gạo đủ ngày thì chắt nước đi cho ráo, ủ một tối rồi cho vào cối xay thành bột mịn. Sau đó nhào bột rồi nặn thành từng quả bột nặng chừng một cân, đem quả bột luộc qua nước sôi. Quả bột sau khi được luộc thì vớt ra cho vào cối giã nhuyễn đưa vào khuôn rồi ép thành những sợi bún.

Khuôn làm bún được làm bằng gỗ do các gia đình tự chế nên trông rất đơn giản. Những sợi bún tròn, mịn sẽ hình thành qua khuôn này, thả xuống nồi nước sôi, luộc khoảng 5 phút sẽ chín. Khi sợi bún nổi trên mặt nước thì vớt bún ra đem ngâm xuống chậu nước sạch cho đến khi sợi bún săn lại. Người ta để bún ra nia thành những con bún (để dài thành hàng) khi ăn thì lấy kéo cắt ngắn ra. Điều độc đáo là sợi bún của người Tày thường to hơn sợi bún ở nơi khác từ hai đến ba lần, ăn dai và ngon hơn.

 

13. Review trải nghiệm Du lịch Lâm Bình

Khác xa với những hình dung ban đầu về điểm đến chưa hề có tiếng tăm gì ở khu vực vùng núi Phía Bắc, những trải nghiệm, khám phá độc đáo, thú vị, khác biệt cả về cảnh quan thiên nhiên lẫn văn hóa, con người ở Lâm Bình, Tuyên Quang trong 3 ngày 2 đêm không hề nhàm chán mà ngược lại, khiến tôi bị ấn tượng mạnh và mong ngóng được quay lại miền đất hoang sơ, chân chất này thêm thật nhiều lần nữa.

Chỉ khi đặt chân đến mảnh đất Lâm Bình, Tuyên Quang tôi mới biết đây chính là một trong những cái nôi của người Việt cổ, nơi sinh sống của 12 dân tộc an hem với kho tàng văn hoá dân gian đồ sộ, nhiều lễ hội văn hóa độc đáo như lễ cấp sắc, nhảy lửa; cảnh quan thiên nhiên vô cùng hùng vĩ với 80% diện tích là rừng núi, lại có hồ thủy điện, sông Gâm trải rộng mênh mông,… tất cả cộng hưởng tạo nên hệ thống hang động, thác nước đẹp mê mẩn; ẩm thực thì vô cùng đặc sắc với hàng loạt món ngon đặc trưng không nơi nao sánh bằng.

Tất tần tật về Du lịch Lâm Bình Du khách cần biết - Ảnh 7

Còn cả những hồ nước lớn, quanh hồ là những dãy núi đá vôi trùng điệp đan xen những khu rừng nguyên sinh, thung lũng rộng lớn cùng hệ thống hang động kỳ vĩ. Mỗi danh lam, thắng cảnh ở đây đều ẩn chứa trong mình vẻ đẹp của tự nhiên và chứa đựng những sự tích, huyền thoại mang đậm nét văn hóa của các dân tộc địa phương.Hay những ngôi đền, chùa có niên đại từ khá lâu, mang đậm nét văn hóa của đồng bào dân tộc vùng cao, trong đó phải kể đến là ngôi đền Pú Bảo, chùa Phúc Lâm…

Đến với Lâm Bình du khách còn được thưởng thức những món ăn truyền thống của người Tày, người Dao như cơm lam, thịt chua, thịt trâu khô, cá mắm ruộng, chè Khau mút, rượu ngô, rượu thóc men lá…

Mặc dù thiên nhiên, văn hóa, con nguồi đều rất đặc sắc, Lâm Bình chỉ cách Thủ đô Hà Nội khoảng 280km, một khoảng cách không quá xa nhưng du lịch Lâm Bình chưa định vị được thương hiệu, vẫn là “nàng công chúa ngủ quên” bởi giao thông đến với huyện vùng sâu, vùng xa nhất này của tỉnh Tuyên Quang trước đây rất khó khăn, gần đây mới được cải thiện rõ rệt.

Có một Thượng Lâm bình yên, ấm áp

Sáng hôm sau, homestay Tài Ngào đãi khách cốm non, bánh trưng, bánh chuối thơm ngon, ấm bụng. Những món ăn ngon và giá cả phải chăng đến nỗi cả đoàn ai cũng mua dăm bảy cân cốm, vài chục chiếc bánh về làm quà.

Buổi sáng cuối cùng ở Lâm Bình, chúng tôi lên xe máy tham quan xã Thượng Lâm, tìm hiểu nghề dệt của đồng bào Tày, đến Hợp tác xã mây tre đan mua quà lưu niệm, thăm đồi cọ, đi chợ phiên mua được cơ man đặc sản Lâm Bình.

Những con đường bê tông giữa thung lũng bình yên quá đỗi dẫn lối đưa chúng tôi đến đường rừng để cất xe, đi bộ tới bản Cài, bản Nghìu Lài và Lũng Nhòi. Trên đường đi, chúng tôi may mắn được ngắm voọc mũi hếch, đen má trắng, loài linh trưởng đặc hữu nằm trong sách đỏ thế giới. Rồi trải nghiệm gặp gỡ cùng bà con dân bản đi làm nương. Bà con trong trang phục truyền thống vác cuộc, đeo gùi đi làm đồng cười nói rôm rả dễ mến làm sao. Tôi chỉ ước những giây phút này đừng trôi qua, mà ngừng lại thật lâu, thật lâu.

Khoảng 11h30, chúng tôi trở lại homestay, thưởng thức bữa trưa thịnh soạn, trả phòng và trở về Hà Nội. Khi ra về, chủ và khách đều bịn rịn, chẳng muốn chia xa.

Vâng, từng du lịch khắp các vùng miền, nhưng có lẽ, chưa nơi nào tôi cảm nhận được tình cảm ấp áp, nồng hậu của tình người như ở Lâm Bình. Với thiên nhiên hùng vị, cảnh quan tươi đẹp, bản sắc văn hóa vẹn nguyên cùng hướng phát triển loại hình du lịch cộng đồng (homestay), chắc chắn những ai yêu thích du lịch sinh thái sẽ quên lối về một khi đã đặt chân đến chốn tiên cảnh này.

HOTLINE
Tour trong nước:
Ms. Tuyết Chinh: 0916 172 338
Ms. Ngọc Anh: 0918 953 728
Tour nước ngoài:
Ms. Thư: 0944 738 228
Mr. Hoàng Minh: 0947 348 228
Top