Quảng Trị về lại những di tích chiến trường xưa

Thương hiệu điểm đến du lịch Quảng Trị là “ Ký ức chiến tranh – khát vọng hòa bình”, cửa ngõ Du lịch hành lang kinh tế Đông – Tây, kết nối, liên kết du lịch “Con Đường Di Sản Miền Trung”,  “Con Đường Hồ Chí Minh huyền thoại”.Quảng Trị có nhiều danh lam thắng cảnh, trong đó có những nơi đã nổi tiếng trong khu vực từ rất lâu. Tất cả đều mang một vẻ đẹp nguyên sơ tinh khiết. Bên cạnh đó, Quảng Trị còn có nhiều di tích văn hóa tâm linh đặc sắc. Đặc biệt nhất là những lễ hội cách mạng mang tầm quốc gia mà không nơi nào sánh được.

Sau Chiến chanh, tỉnh Quảng Trị trở thành bảo tàng sinh động về chiến tranh cách mạng. Nhiều địa danh trên mảnh đất Quảng Trị đã đi vào lịch sử với những chiến công lẫy lừng, vang dội. Trong số 499 di tích (gồ 560 điểm di tích), danh thắng được kiểm kê đánh giá thì có đến 475 di tích cấp tỉnh, như các lịch sử chiến tranh cách mạng: 20 di tích quốc gia (57 điểm), với 4 di tích quốc gia đặc biệt (28 điểm). Tỉnh Quảng Trị có 2 nghĩa trang liệt sỹ quốc gia với hàng vạn mộ liệt sỹ là những người đã chiến đấu, hi sinh và mãi mãi yên nghỉ trên mảnh đất này.

Về chiến trường xưa là để tri ân những anh hùng liệt sỹ đã hy sinh trong các cuộc chiến tranh giải phóng đất nước, để ôn lại những chiến công hào hùng, và ghi nhớ những mất mát to lớn của dân tộc cho nền độc lập, để hiểu thêm thế nào là chiến tranh và trân quý nền hòa bình, thống nhất.

 

Di tích Đôi bờ Hiền Lương – Bến Hải

Đôi bờ Hiền Lương – Bến Hải là tên gọi cho cụm di tích ở hai bên bờ sông Bến Hải – cầu Hiền Lương, nơi được coi là tâm điểm thể hiện cao nhất những vấn đề lịch sử về một thời kỳ chia cắt hai miền Nam – Bắc. Đến với di tích quốc gia đặc biệt đôi bờ Hiền Lương – Bến Hải du khách sẽ được thăm quan cầu Hiền Lương, tượng đài chiến sĩ Công An Nhân Dân vũ trang bảo vệ giới tuyến, nhà trưng bày Vĩ Tuyến 17 và khát vọng thống nhất và cụm tượng đài Khát vọng thống nhất Non sông. Đây là điểm tham quan du lịch lý thú cho khách du lịch trong nước và quốc tế.

 

Thành cổ Quảng Trị

Thành cổ Quảng Trị nằm giữa trung tâm thị xã Quảng Trị, đứng soi mình xuống dòng sông Thạch Hãn hiền hòa. Thành Cổ Quảng Trị uy nghi, trầm mặc, sáng ngời biểu tượng chủ nghĩa anh Hùng cách mạng với khát vọng độc lập, tự do. Nơi đây với những điểm diễn ra sự kiện 81 ngày đêm năm 1972 đã thấm đẫm máu của hàng vạn chiến sĩ cả nước và đồng bào Quảng Trị trong cuộc chiến đấu bảo vệ đất nước. Ngày nay, tại trung tâm di tích đài tưởng niệm được xây dựng như một nấm mồ chung cho hàng ngàn chiến sĩ đã mãi mãi nằm lại dưới lòng đất mẹ anh hùng. Thành Cổ Quảng Trị trở thành điểm đến tâm linh, hàng năm đón hàng chục vạn lượt khách hành hương thăm lại chiến trường xưa, du khách trong và ngoài nước đến thắp hương tưởng niệm.

 

Địa Đạo Vịnh Mốc

Địa đạo Vịnh Mốc và hệ thống làng hầm Vĩnh Linh là công trình kiến trúc quân sự kỳ vĩ dưới lòng đất, ra đời trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Địa Đạo có nhiều công năng: trụ sở, kho hậu cần, trường học, bệnh viện, khu vực sinh hoạt của từng gia đình… Đây là một công trình vĩ đại của ý chí, lòng quyết tâm, sự sáng tạo chói ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Xứng đáng được coi là một lâu đài dưới lòng đất giấu kín biết bao điều kỳ lạ của những người làm ra nó và của thời đại nó được sinh ra.

Ngày nay, Địa đạo Vịnh Mốc và hệ thống làng hầm Vĩnh Linh trở thành một di sản lịch, sử văn hóa độc đáo, một điểm đến thu hút du khách từ khắp nơi trên thế giới đến thăm quan và chiêm ngưỡng. Với giá trị đặc biệt tiêu biểu, tỉnh Quảng Trị đang tiến hành các thủ tục để đề nghị Unesco công nhận địa đạo Vịnh Mốc là di sản văn hóa thế giới.

 

Sân bay Tà Cơn Đường 9 – Khe Sanh

Từ thị trấn Lao Bảo theo quốc lộ 19 về phía Đông khoảng 20km, du khách đến cụm di tích sân bay Tà Cơn – Đường 9, Khe Sanh. Đây là tên gọi để chỉ một cụm cứ điểm quân sự chiến lược của quân đội Mỹ trong những năm 1966-1968 và là địa danh gắn với nhiều sự kiện liên quan đến chiến dịch giải phóng Khe Sanh năm 1968, cùng hàng loạt căn cứ được xây dựng theo trục đường số 9 từ Đông Hà lên Khe Sanh. Cụm cứ điểm sân bay Tà Cơn – Đường 9, Khe Sanh là một trong những khu trung tâm được xây dựng rât quy mô, gồm nhiều tiểu cứ điểm với công sự kiên cố, dày đặc và sân bay cỡ lớn làm nơi cất, hạ cánh cho các loại máy bay trực thăng quân sự và vũ khí chiến đấu.

Với cách bố trí thế phòng ngự liên hoàn, cơ động được Mỹ - Ngụy coi là vị trí cứng nhất trong cả hệ thống tập đoàn cứ điểm Khe Sanh. Sân bay Tà Cơn – Khe Sanh giờ đây là một điểm đến không thể bỏ qua với mọi du khách trong hành trình khám phá tour DMZ – thăm lại chiến trường xưa. Di tích đã được bộ văn hóa – thông tin xếp hạng di tích quốc gia theo quyết định số 236/QĐ-BVHTT ngày 12/12/1986.

 

Nghiã trang liệt sỹ Quốc Gia Đường 9

Nghĩa trang liệt sỹ Quốc Gia Đường 9 là một trong những nghĩa trang lớn nhất cả nước, nằm trên quốc lộ 9, thuộc phường 4, thành phố Đông Hà, cách trung tâm 6 km về phía Tây. Đây là nơi yên nghỉ của hơn 10.700 anh hùng liệt sĩ đã từng chiến đấu trên mặt trận Đường 9 và trên đất Lào trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta. Trong đó có nhiều liệt sỹ chưa xác định được tên tuổi. Phần mộ liệt sỹ biết đầy đủ họ tên, quê quán được chia thành 14 khu vực liên hoàn theo từng địa phương.

Nghĩa trang liệt sỹ quốc Đường 9 là một công trình đền ơn đáp nghĩa đồ sộ quy mô lớn có tính nghệ thuật cao, thể hiện lòng thương nhớ sâu sắc và sự tri ân của nhân dân ta với những người con trên mọi miền đất nước đã không tiếc máu xương cho độc lập, tự do của tổ quốc.

 

Nghĩa trang liệt sỹ quốc Gia Trường Sơn

Nghĩa trang liệt sỹ quốc gia Trường Sơn tọa lạc trên khu đồi Bến Tắt thuộc địa bàn xã Linh Trường, huyện Gio Linh, cách trung tâm thành phố Đông Hà khoảng 38km và các thị trấn Gio Linh hơn 20km về phía Tây Bắc.

Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn là nơi quy tụ 10.333 phần mộ củ các liệt sỹ đã hy sinh trên tuyến đường mòn Hồ Chí Minh trong thời kì chống Mỹ cứu nước, có tổng diện tích 140.000m2, phân thành 10 khu vực chính. Đây là một công trình đền ơn đáp nghĩa đồ sộ nhất, quy mô nhất có tính nghệ thuật cao, thể hiện lòng thương nhớ sâu sắc, niềm biết ơn và sự tôn vinh thầm lặng của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đối với những người con yêu quí trên mọi miền đất nước đã không tiếc máu xương cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

 

Khu di tích Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam

Khu trụ sở chính phủ cách mạng lâm thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam được khởi công xây dựng ngày 30/5/1973, thuộc địa phận thôn Tân Hòa, xã Cam Thành, huyện Cam Lộ, cách thành phố Đông Hà 12km về phía Tây.

Lần đầu tiên trong vùng giải phóng, chính phủ cách mạng lâm thời đã có trụ sở làm việc, nơi đặt quan hệ ngoại giao với tất cả anh, em bạn bè gần xa trên thế giới, đại diện cho nhân dân Miền Nam nói lên tiếng nói của mình.

 

Căn cứ Cồn Tiên – Dốc Miếu

Căn cứ quân sự Cồn Tiên – Dốc Miếu là tiền đồn nằm gần khu phi quân sự, cách Cầu Hiền Lương khoảng 7km về phía Nam, được xây dựng nhằm ngăn chặn mọi sự chi viện từ Miền Bắc vào chiến trường miền Nam. Đây được coi là cứ điểm quan trọng nhất của phòng tuyến Mc Namara, quân đội Mỹ đã từng tuyên bố: “ Đây là pháo đài bất khả xâm phạm”.

Ngày nay, địa danh Cồn Tiên - Dốc Miếu trở thành một điểm đến hấp dẫn du khách trong hành trình tour du lịch DMZ Quảng Trị.

 

Nhà Tù Lao Bảo

Còn được gọi là nhà đày Lao Bảo, thuộc khóm Duy Tân, thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, là một trong năm nhà tù lớn nhất Đông Dương. Với khí hậu khắc nghiệt, nạn muỗi rừng, lũ quét cùng với chế độ nhà tù hà khắc như tra tấn dã man, lao dịch nặng nề, ăn uống tồi tệ, đau ốm không có thuốc men đã hành hạ thể xác con người đến chết dần, chết mòn… Nhà tù Lao Bảo trở thành địa ngục trần gian đối với tù nhân.

Đây là nơi giam cầm nhiều nhà cách mạng Cộng Sản cốt cán mà sau này là lãnh đạo cấp cao như: Nhà thơ Tố Hữu, đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Trần Văn Cung, Lê Chương, Lê Thế Tiết… Sau ngày thồng nhất đất nước, nhà tù Lao Bảo được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.

 

Khu tưởng niệm Cố Tổng Bí Thư Lê Duẩn

Đồng chí Lê Duẩn sinh ngày 07/04/1907 tại làng Hậu, xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Sau năm 1975, với tư cách là người con quê hương Quảng Trị và cũng là người lãnh đạo cao nhất của Đảng, ông đã nhiều lần về thăm quê nhà (1978, 1981, 1983, 1985). Chính tại nơi ngôi nhà lưu niệm này đã diễn ra những cuộc gặp gỡ thân tình giữa ông và nhân dân quê nhà. Sau khi ông mất, tang lễ được tổ chức tại chính ngôi nhà này.

Khu lưu niệm cố Tổng Bí Thư Lê Duẩn nằm trên một khuôn viên có diện tích 2000m2, nguyên trước đây là nhà vườn của cụ thân sinh Lê Hiệp. Nhà làm bằng gỗ khang trang, ba gian 2 chái, bao quanh nhà là bốn dãy chè tàu được cắt tỉa cẩn thận, phía trong khuôn viên trồng cây cảnh và cây ăn quả. Ngôi nhà lưu niệm cố Tổng Bí Thư Lê Duẩn được coi là di tích lịch sử cách mạng quý giá trong toàn bộ hệ thống di tích lịch sử, văn hóa ở Quảng Trị.

 

HOTLINE
Tour trong nước:
Ms. Tuyết Chinh: 0916 172 338
Ms. Ngọc Anh: 0918 953 728
Tour nước ngoài:
Ms. Thư: 0944 738 228
Mr. Hoàng Minh: 0947 348 228
Top