Mê mẩn vẻ đẹp Miền Tây mùa nước nổi

Đến hẹn lại lên, mỗi khi miền Tây vào mùa nước nổi là dân xê dịch lại thổn thức kéo nhau về vùng đất này để được thả hồn vào phong cảnh sơn thủy hữu tình đầy thơ mộng, thưởng ngoạn và khám phá nét văn hóa độc đáo của vùng sông nước, đồng thời thưởng thức những món ngon tuyệt đỉnh chỉ có ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Vốn là “đặc sản” mang đặc trưng riêng của miền Tây, mùa nước nổi thực chất là một hiện tượng lũ lụt tự nhiên, mang đặc trưng của vùng hạ lưu sông Mekong. Đối với người dân miền Tây sông nước, mùa nước lũ tràn về không hẳn là thiên tai, mà là ưu đãi của thiên nhiên ban tặng, mang đến cơ hội phát triển du lịch tuyệt vời cho vùng đất này. Mỗi khi vào mùa nước lũ, miền Tây dường như lại khoác lên mình lớp áo mới đầy ấn tượng, tựa như một bức tranh sơn thủy hữu tình đầy mộc mạc, bình dị, nhưng cũng không kém phần quyến rũ. Đó là lý do hàng năm vùng sông nước miền Tây vào mùa nước lũ lại thu hút rất nhiều du khách ghé thăm và khám phá.

Du lịch miền Tây mùa nước nổi vào thời điểm nào đẹp nhất?

Khi nước từ thượng nguồn sông Mekong tràn về hai tỉnh đầu nguồn là Đồng Tháp và An Giang tạo nên mùa nước nổi, đó cũng là thời điểm lý tưởng nhất để du ngoạn miền đất sông nước này. Đó là vào khoảng khoảng thời gian từ cuối tháng 9 đến tháng 11.

Mê mẩn vẻ đẹp Miền Tây mùa nước nổi - Ảnh 1

Những điểm đến nổi tiếng không nên bỏ qua vào mùa nước nổi miền Tây

Vườn quốc gia Tràm Chim

Thuộc địa phận huyện Tam Nông, Đồng Tháp, Vườn quốc gia Tràm Chim là nơi sở hữu hệ sinh thái vô cùng phong phú với rừng tràm xanh bao la và những vườn chim rợp trắng, nơi có hơn 130 loài chim quý, đặc biệt là loại sếu đầu đỏ nằm trong danh sách đỏ cần được bảo tồn.

Khi mùa nước nổi tràn về vào khoảng thời gian từ tháng 11, 12 là thời điểm từng đàn chim bay về trú ngụ, săn mồi trên những cánh đồng lúa mênh mông, tạo nên hiện tượng thiên nhiên kỳ thú tại Vườn quốc gia Tràm Chim. Hàng nghìn chú cò kéo về thành đàn, tung đối cánh bay lên hạ xuống và cất lên tiếng kêu như thể trò chuyện với đồng loại. Điều đặc biệt là vào thời điểm này Vườn quốc gia Tràm Chim cũng mang một cảnh sắc thiên nhiên vô cùng độc đáo, đặc trưng mùa nước nổi với màu vàng của hoa điên điển, màu tím của hoa súng và màu xanh của rừng tràm…

Đến với Vườn quốc gia Tràm Chim, du khách sẽ được tận hưởng những trải nghiệm độc đáo chưa từng có. Thong dong tự tại, thư giãn chèo ghe đi khắp mọi ngõ ngách của rừng cây, chiêm ngưỡng cảnh vật sinh động tựa tranh vẽ, hít hà hương sen thoang thoảng đâu đây, đó thực sự là những trải nghiệm thú vị không dễ có được trong đời.

Rừng Tràm Trà Sư

Nằm ở xã Văn Giáo, huyện Tịnh Biên, An Giang, Rừng Tràm Trà Sư là điểm đến không thể bỏ qua trong hành trình khám phá miền Tây mùa nước nổi. Rừng tràm Trà Sư mang một vẻ đẹp rất riêng biệt, kỳ thú với khung cảnh xung quanh được bao phủ một màu xanh ngăn ngắt với những hàng cây tràm thẳng tắp, dưới nước là lớp bèo cám xanh nõn. Tất cả tạo nên một khung cảnh vô cùng bình yên, dịu dàng.

Đến với Rừng tràm Trà Sư, bạn sẽ được trải nghiệm di chuyển trên chiếc ghe nhỏ, rẽ sóng đạp nước di chuyển một cách nhẹ nhàng giữa những hàng cây tràm  tĩnh lặng, ngắm những bông điên điển rực rỡ sắc vàng hay thích thú chiêm ngưỡng cảnh tượng từng đàn chim đậu trắng cả ngọn cây...

Chợ nổi Cái Răng

Là một trong ba chợ nổi lớn nhất miền Tây Nam Bộ, Chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ) là một điểm đến nổi tiếng nhất và cũng hấp dẫn bậc nhất của miền Tây mùa nước nổi. Với hàng trăm ghe thuyền buôn bán ngày đêm xuôi ngược, Cái Răng là địa danh mang đến cho du khách cơ hội tìm hiểu, khám phá nét văn hóa du lịch sông nước miền tây của người dân Cần Thơ trên dòng sông Hậu hiền hòa.

Chợ thường họp từ sáng sớm đến khoảng 10h trưa thì tan. Vậy nên, để khám phá đầy đủ, trọn vẹn nếp sống, văn hóa của người dân miền Tây từ Chợ nổi Cái Răng, du khách cần đi vào khoảng 6h-7h sáng để cảm nhận được không khí nhộn nhịp ở đây. Hình ảnh những chiếc ghe chất đầy hàng hóa, tiếng nói cười rộn rã của khách đi chợ xen lẫn tiếng gọi mời của các tiểu thương, bất chợt đâu đó là câu hò vang vọng..., tất cả sẽ đem đến cho bạn những ấn tượng không thể nào quên về miền Tây mùa nước nổi.

Nhà công tử Bạc Liêu 

Tọa lạc tại số 13 Điện Biên Phủ, phường 3, TP. Bạc Liêu, nằm cạnh bờ sông Bạc Liêu, ngôi biệt thự của công tử Bạc Liêu đã trở thành một điểm du lịch nổi tiếng của miền Tây. Bất cứ ai tham gia hành trình khám phá du lịch miền Tây hầu như đều không muốn bỏ lỡ cơ hội tận mắt chiêm ngưỡng ngôi biệt thự nổi tiếng này.

Mê mẩn vẻ đẹp Miền Tây mùa nước nổi - Ảnh 2

Được xây dựng năm 1919 do kiến trúc sư người Pháp thiết kế khi công tử Bạc Liêu – Trần Trinh Huy mới 19 tuổi, biệt thự của công tử Bạc Liêu ở thời điểm đó là căn nhà to đẹp nhất Nam Kỳ lục tỉnh. 

Kiến trúc độc đáo của khu nhà mang đặc trưng của văn hóa Pháp, là đại diện của lối kiến trúc thành phố Paris xưa mà nhiều công trình kiến trúc ở Việt Nam vẫn còn đang lưu giữ.

Dù đã hàng trăm năm trôi qua, rất nhiều vật dụng trong nhà đã thất lạc do các biến cố lịch sử, nhưng ngôi nhà vẫn giữ được vẻ đẹp sang trọng vốn có của nó, thể hiện sự xa hoa bậc nhất của Trần gia.

Đất mũi Cà Mau

Nằm cách trung tâm thành phố Cà Mau khoảng 110 km, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển từ lâu luôn là địa điểm hấp dẫn thu hút du khách mỗi khi lựa chọn tour du lịch miền Tây.

Đến đây, du khách không chỉ được khám phá không gian hệ sinh thái rừng ngập mặn phong phú, đa dạng, mà còn được tận tay chạm vào cột mốc tọa độ quốc gia và chiêm ngưỡng biểu tượng của Mũi Cà Mau, nơi cuối trời cực Nam của Tổ quốc.

Một trong những điểm đến nổi tiếng của vùng Đất Mũi là Công viên văn hóa du lịch Mũi Cà Mau, tọa lạc trong khu dự trữ sinh quyển thế giới Mũi Cà Mau được UNESCO công nhận vào tháng 5/2009. Tại đây, du khách sẽ được chiêm ngưỡng và check in với dấu mốc tọa độ Quốc gia tại GPS0001 (cây số 0) - một trong bốn điểm cực đánh dấu chủ quyền thiêng liêng của lãnh thổ Việt Nam trên đất liền.

Về thăm Đất Mũi Cà Mau, du khách có thể đắm chìm trong không gian trong xanh của những cánh rừng đước bạt ngàn. Đây cũng là địa điểm duy nhất trên cả nước có thể ngắm mặt trời mọc ở biển Đông và lặn ở bờ biển Tây.

Từ vọng hải đăng cao 21 m, du khách có thể phóng tầm mắt quan sát biển rộng bao la và đảo Hòn Khoai ẩn hiện từ phía xa, thu vào tầm mắt cảnh rừng và biển hòa quyện vào nhau tạo nên một khung cảnh đẹp, nên thơ hiếm nơi nào có được.

Chùa Dơi (Sóc Trăng)

Nằm tại phường 3, TP Sóc Trăng, Chùa Dơi (hay chùa Mã Tộc, chùa Mahatup) gắn với quần thể kiến trúc tiêu biểu về tín ngưỡng của dân tộc Khmer, được công nhận di tích nghệ thuật cấp quốc gia năm 1999. Được khởi công xây dựng từ năm 1569 dương lịch, Chùa Dơi là một trong những ngôi chùa cổ nhất ở Sóc Trăng, do ông Thạch Út đứng ra xây dựng và đã trải qua nhiều lần trùng tu. Đây là nơi sinh hoạt cộng đồng và tổ chức các lễ hội truyền thống của người Khmer. 

Đến đây, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp độc đáo, diễm lệ cổ kính của ngôi chùa, mà còn được hòa mình vào thiên nhiên huyền bí với những bầy dơi treo mình trên khắp những tán cây trong khuôn viên chùa.

Sức thu hút của chùa Dơi còn nằm ở khu vườn rộng mênh mông với vô vàn loại cây cổ thụ xen lẫn những loại cây ăn quả như xoài, vú sữa, sầu riêng, măng cụt. Du khách có thể thỏa sức thả bộ trong vườn và tận hưởng không gian mát rượi,  thanh tịnh và bình yên quá đỗi nơi đây.

Những món ngon khó cưỡng của mùa nước nổi miền Tây

Lẩu cá linh bông điên điển

Không ngoa khi nói rằng lẩu cá linh bông điên điển là món ăn dân dã ngon xuất sắc của miền Tây mỗi mùa nước nổi. Khi lũ bắt đầu dâng, những cơn mưa rả rích kéo dài cũng là thời điểm của mùa cá linh. Những con cá tươi vừa mới bắt lên còn tươi roi rói, béo tròn được làm sạch mang, móc bỏ ruột, rửa lại bằng nước rồi để ráo để làm nguyên liệu chính cho món lẩu cá linh bông đên điển trứ danh của mùa nước nổi miền Tây.

Ngoài món chính là cá linh thì các nguyên liệu khác cho món lẩu cũng quan trọng không kém, đó là các loại rau ăn kèm, trong đó không thể thiếu bông điên điển. Bông điên điển vừa mới hái từ những hàng cây mọc trong từng khu đất, bờ ruộng xuống còn tươi mơn mởn. Loại bông có màu vàng bắt mắt này cùng với một số loại rau khác như đậu bắp, bạc hồ, rau thơm, giá tạo nên màu sắc bắt mắt và cực kỳ hấp dẫn cho món lẩu cá linh điên điển. Lúc này bạn chỉ cần cầm đũa lên và thưởng thức món ăn dân dã ăn một lần mà nhớ cả đời của miền Tây.

Bông súng mắm kho

"Muốn ăn bông súng mắm kho/ Thì vô Đồng Tháp ăn cho đã thèm". Đặc sản nổi tiếng của miền Tây nói chung và Đồng Tháp nói riêng này đã đi vào ca dao tục ngữ, đủ thấy sức quyến rũ của món ăn.

Bông súng chỉ là loài rau đồng thường mọc những nơi vùng đất trũng, nhất là những khu vực có đọng nước bùn. Người miền Tây hay nhổ bông súng về rồi để nguyên cọng rửa sạch. Để làm nguyên liệu chế biến cho món bông súng mắm kho, bông súng sẽ được tước bớt phần vỏ bên ngoài, ngắt mỗi cọng độ dài chừng hai gang tay và để cho ráo nước.

Mắm kho ngon phải là mắm cá linh, cá sặc... chính gốc miền sông nước. Mắm sau khi mua về phải nấu sôi trong nước, lọc bỏ xương rồi cho sả bằm vào để tạo hương thơm, khử bớt mùi mắm. Bước tiếp theo cho tôm hay tép, hến cùng cá lóc vào đúng khi mắm vừa sôi lại. Nồi bông súng mắm kho chuẩn bị có sự hòa quyện vị cay của ớt, chất the nhẹ của sả, ngọt của tép đồng, giòn đủ độ của bông súng.

Món bông súng mắm kho rất đơn sơ, bình dị và dân dã nhưng hội tụ tất cả tinh túy của hương đồng gió nội để làm nên một món ăn mà bất kỳ ai đến miền Tây đều không bỏ lỡ cơ hội được nếm thử. 

Chuột đồng nướng lu

Thoáng nghe  tên món đặc sản này thì có lẽ không có nhiều du khách hào hứng và dám thưởng thức. Tuy nhiên, nếu một lần thử món chuột đồng nướng lu của miền Tây này, có lẽ không ít người sẽ nhớ mãi hương vị của món đặc sản trứ danh của mùa nước nổi miền Tây.

Chuột để nướng lu phải là những chú chuột đã ăn no lúa chín, béo múp míp. Sau khi bắt về, chuột sẽ được làm sạch ruột, cắt móng, rồi tẩm ướp gia vị vừa ăn trong khoảng 15 phút. Bước cuối cùng là móc từng con vào lu để quay. Khi quay phải liên tục trở tay để biết lúc nào cần thêm mỡ, thêm nước gia vị. Khoảng một tiếng sau thì thịt chuột chín vàng thơm phức. Chỉ cần mở nắp lu, bày chuột ra cùng dưa leo, rau răm, muối ớt là đã có món ăn ngon tuyệt. Thịt chuột quay đúng điệu miền sông nước sẽ thơm, mềm và có phần da rất giòn mang hương vị đặc trưng miền Tây.

Cá lăng kho khóm

Cá lăng kho khóm cũng là một trong những đặc sản không nên bỏ lỡ ở miền Tây vào mùa nước nổi. Cá lăng là loại cá da trơn, sống nơi tầng đáy môi trường nước ngọt ở đồng bằng sông Cửu Long, xuất hiện nhiều vào mùa nước nổi. Khóm (trái thơm hay còn gọi là dứa) xắt miếng, xào qua với gia vị rồi bỏ ra đĩa. Cá lăng sau khi sơ chế được kho trên chảo phi hành tỏi, gia vị, sôi vài lần trên lửa liu riu, cho khóm vào, khi cá nứt da là chín. Cá lăng kho khóm thơm ngon, béo, ngọt ăn cùng cơm gạo mới mang đến cảm giác thân quen, gần gũi vùng sông nước.

Chỉ cần cắn một miếng cá lăng kho khóm, bạn sẽ thấy vị béo, ngọt, thơm ngon của cá lăng hòa quyện vị chua chua của khóm đánh thức mọi giác quan. Và một miếng cơm nóng gạo mới dẻo thơm vào nữa, bạn sẽ luyến nhớ mãi món ngon dân dã nơi miền Tây yên bình và mến khách.

Muôn vàn những trải nghiệm độc đáo, lý thú của mùa nước nổi miền Tây đang chờ bạn khám phá. Bạn hãy lưu ý rằng thời gian đi du lịch miền Tây mùa nước nổi rất ngắn, chỉ khoảng 3 tháng nên cần lên lịch trình kỹ càng để có chuyến đi thật thú vị và ý nghĩa. Nếu bạn không thông thạo địa hình và muốn tìm cho mình một người bạn đồng hành thông thái, hiểu biết, hãy liên hệ ngay với VietSense Travel nhé! Chúng tôi sẽ đem đến cho bạn một hành trình trải nghiệm miền Tây giàu trải nghiệm thú vị và đáng nhớ nhất.

 

HOTLINE
Tour trong nước:
Ms. Tuyết Chinh: 0916 172 338
Ms. Ngọc Anh: 0918 953 728
Tour nước ngoài:
Ms. Thư: 0944 738 228
Mr. Hoàng Minh: 0947 348 228
Top