Trọn bộ bí kíp du lịch Đà Nẵng tự túc mới nhất
20/11/2019Đà Nẵng được mệnh danh là thành phố đáng sống nhất Việt Nam. Đây cũng là một trong những điểm hết “hót” nhất của mảnh đất hình chữ S. Năng động, hiện đại và náo nhiệt với rất nhiều danh thắng nổi tiếng, những khu vui chơi giải trí hàng đầu và ẩm thực ngon khó cưỡng… chẳng có lý do gì để bạn không khám phá miền đất này. Nếu bạn đang băn khoăn không biết nên làm thế nào để đi du lịch Đà Nẵng tự túc với chi phí rẻ nhất, thì đừng lo, VietSense Travel sẽ mách bạn trọn bộ bí kíp du lịch Đà Nẵng tự túc mới nhất.
- 1. Tổng quan về Đà Nẵng
- 2. Thời điểm du lịch Đà Nẵng thích hợp nhất
- 3. Nên mang những đồ gì khi đi du lịch Đà Nẵng
- 4. Di chuyển đến Đà Nẵng bằng cách nào?
- 5. Phương tiện di chuyển trong thành phố Đà Nẵng
- 6. Khách sạn tại Đà Nẵng
- 7. Món ngon nhất định phải thưởng thức khi đến Đà Nẵng
- 8. Những điểm tham quan hấp dẫn tại Đà Nẵng
- 9. Những trải nghiệm không nên bỏ qua ở Đà Nẵng
- 10. Một số vũ trường, bar ở Đà Nẵng
- 11. Những lưu ý khi đi du lịch Đà Nẵng
- 12. Những đặc sản nên mua về làm quà khi đến Đà Nẵng
1. Tổng quan về Đà Nẵng
Thành phố Đà Nẵng nằm ở miền trung Việt Nam, cách Thủ đô Hà Nội khoảng chừng 766km về phía Bắc, cách thành phố Hồ Chí Minh 961km về phía Nam.
Diện tích: 1.285,4 km²
Dân số: 992.800 người (năm 2010)
Địa điểm thăm quan: Bãi biển Mỹ Khê, Bán đảo Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Chùa Linh Ứng Tự, Khu du lịch Bà Nà, Thành Điện Hải,...
Nhắc đến du lịch Đà Nẵng là nhắc đến một thành phố biển miền Trung. Với bãi biển đẹp, trải dài hơn 60km và cát trắng miên man, Biển Đà Nẵng được tạp chí Forbes của Mỹ bình chọn là 1 trong 6 bãi biển quyến rũ nhất hành tinh.
Đà Nẵng là một trong những thành phố trực thuộc trung ương. Đà Nẵng sở hữu vị trí trung độ, đầu mối giao thông, vị trí quan trọng cả về kinh tế, xã hội, quốc phòng và an ninh.
2. Thời điểm du lịch Đà Nẵng thích hợp nhất
Mỗi mùa, Đà Nẵng lại mang một sắc thái riêng, kèm theo đó là những cung bậc cảm xúc khác nhau cho du khách.
Du lịch Đà Nẵng tháng 1, 2, 3
Khoảng thời gian từ tháng 1 tới tháng 3 là mùa khô, tiết trời Đà Nẵng khô ráo. Đây là thời điểm khá lý tưởng phù hợp cho chuyến hành trình khám phá Đà thành. Cùng với đó, đây là thời điểm trước trong và sau Tết dương lịch cũng như Tết Nguyên đán nên ở Đà Nẵng diễn ra rất nhiều hoạt động vui chơi thú vị. Toàn thành phố được trang trí khá lộng lẫy, rực rỡ sắc màu.
Đặc biệt, 3 tháng đầu năm, tại Đà thành diễn ra nhiều hoạt động lễ hội tâm linh như lễ hội Quán Thế Âm diễn ra ngày 19/2 âm lịch, lễ hội làng Hòa Mỹ ngày 12/1 âm lịch… Thời khắc đầu năm du khách sẽ được xem bắn pháo hoa, lên chùa, hái lộc, cầu gia đạo bình an cả năm, may mắn và hạnh phúc.
Du lịch Đà Nẵng tháng 4,5,6
Bước sang tháng 4, nhiệt độ Đà Nẵng ấm lên nhiều. Tháng 5, 6 ở thành phố thường hay xuất hiện những cơn nắng nóng kéo dài. Thời điểm này thực hiện việc tham quan, trải nghiệm những con suối như suối Hương, suối Hoa, suối Lương… Hay xuống biển Đà Nẵng hòa mình trong làn nước mát mẻ, trong xanh, thử những trò chơi mạo hiểm như lướt sóng, nhảy dù…
Du lịch Đà Nẵng tháng 7,8,9
Tháng 7 được biết tới là tháng cuối cùng của mùa khô. Nhưng đây cũng chính là thời điểm những cơn mưa thỉnh thoảng lại xuất hiện bất ngờ. Bước sang tháng 8, tháng 9, những cơn mưa bắt đầu vào mùa, mưa kéo dài liên tục. Mưa cũng ảnh hưởng tới lộ trình tham quan du lịch của du khách. Tuy nhiên, thời điểm này Đà Nẵng dường như nhẹ nhàng không năng động như mùa hè. Lúc này, bạn có thể thực hiện những chuyến nghỉ dưỡng tại các khu resort quả là những trải nghiệm thú vị.
Du lịch Đà Nẵng tháng 10, 11, 12
Du lịch Đà Nẵng trong khoảng thời gian này đúng vào mùa mưa. Nhiệt độ xuống thấp, tiết trời lạnh nhưng không giống như ở miền Bắc. Bạn chỉ cần mang 1 chiếc áo dài tay hay áo len mỏng nhẹ đề phòng khi sáng sớm và đêm khuya.
Du lịch Đà Nẵng cao điểm nhất là từ cuối tháng 4 đến nửa đầu tháng 8 (thời điểm này chi phí vé máy bay, ăn ở cũng sẽ tăng theo). Vì vậy nếu bạn muốn có chuyến đi tuyệt vời mà lại tiết kiệm thì nên chọn thời điểm từ nửa cuối tháng 3 đến trước 30/4 và từ nửa cuối tháng 8 đến hết tháng 9. Đây là 2 thời điểm trước và sau mùa du lịch cao điểm nên thời tiết vẫn đẹp mà giá vé máy bay và phòng đã hạ xuống thấp hơn.
3. Nên mang những đồ gì khi đi du lịch Đà Nẵng
Hầu hết du khách thường đi du lịch Đà Nẵng vào mùa hè, thời tiết khá nóng bức nên bạn cần mang quần áo mùa hè, vừa phù hợp với thời tiết, vừa giảm thiểu đồ đạc cồng kềnh.
Đi biển bạn đừng quên mang đồ bơi như: bikini, maxi, váy xòe điệu đà. Bạn cũng đừng quên mang thêm một vài bộ đồ lịch sự gọn gàng giành cho những dịp đi chơi tại các chùa hay nhà thờ.
Ngoài ra, ở Đà Nẵng thời tiết khá nắng gắt, bạn cần mang theo ô, mũ, kính dâm để bảo vệ sức khỏe cũng như bảo vệ làn da của mình.
Đặc biệt, bạn đừng quên kem chống nắng vì vào mùa hè nắng ở Đà Nẵng khá gay gắt.
4. Di chuyển đến Đà Nẵng bằng cách nào?
Nếu đi du lịch Đà Nẵng bằng máy bay, toàn bộ các hãng hàng không nội địa Vietnam Airlines, VietJetAir, Jetstar đều có đường bay tới Đà Nẵng. Và thường xuyên có khuyến mãi về giá vé đến Đà Nẵng. Giá vé máy bay đi Đà Nẵng tùy theo hãng hàng không mà có thể dao động từ 600.000 đồng đến 2.500.000 đồng, thời gian di chuyển là 1 tiếng 30 phút.
Nếu đi du lịch Đà Nẵng bằng tàu thì Ga Đà Nẵng ở ngay trung tâm thanh phố, đi lại rất dễ dàng. Đây là một phương tiện đảm bảo an toàn tuyệt đối cho khách du lịch. Đi tàu ngoài việc không bị say xe, du khách có thể thoải mái ngắm cảnh sông nước Việt Nam. Tùy theo loại tàu và hạng ghế mà giá vé có thể dao động từ 300.000 đồng - 1.200.000đồng, thời gian di chuyển từ Hà Nội hoặc thành phố Hồ Chí Minh là 14 - 20 tiếng.
Ngoài ra, du khách cũng có thể đi du lịch Đà Nẵng bằng xe khách: Bến xe rất gần trung tâm thành phố , đường to, rộng rãi và thoáng mát. Tất cả các tỉnh đều có xe đi Đà Nẵng. Bạn có thể chọn các hãng xe phổ biến như Xe Hoàng Long, Mai Linh, Thuận Thảo với giá vé khoảng 400.000 đồng – 500.000 đồng, thời gian di chuyển là từ 18 - 20 tiếng từ Hà Nội hoặc thành phố Hồ Chí Minh đến Đà Nẵng
5. Phương tiện di chuyển trong thành phố Đà Nẵng
Khi đã đến Đà Nẵng, du khách có thể di chuyển trong khu vực nội địa thành phố bằng nhiều phương tiện như: xe máy, taxi, xe buýt…
+ Xe máy: Dịch vụ cho thuê xe máy ở Đà Nẵng khá phổ biến. Hầu như những khách sạn, nhà nghỉ thường cho thuê xe máy. Giá dao động khoảng chừng 150 – 200.000 đồng/ ngày tùy chất lượng xe, dòng xe… Để đảm bảo không xảy ra sự cố trong quá trình di chuyển, du khách nên lựa chọn dòng xe máy mới, yêu cầu người cho thuê kiểm tra động cơ để đảm bảo hoạt động tốt.
+ Xe taxi: Hiện nay ở Đà Nẵng có những hãng taxi tương đối khá nhiều, phục vụ nhiệt tình. Giá cả của những hãng taxi cũng không chênh lệch nhiều.
Bạn có thể tham khảo số điện thoại các hãng taxi sau:
Taxi Mai Linh: 0236.3.52.52.52 hoặc 0236.3.522.666
Taxi Tiên Sa: 0236.3.79.79.79
Taxi Sông Hàn: 0236.3.655.655
Taxi Vinashin: 0236.3.82.82.82
Taxi Airport: 0236.3.27.27.27
Ngoài ra, từ năm 2018, Grap taxi cũng đã hoạt động tại Đà Nẵng, bạn có thể di chuyển qua ứng dụng này.
+ Xe buýt: Bạn có thể sử dụng dịch vụ xe buýt để di chuyển quanh Đà thành.
+ Xích lô: Trải nghiệm xích lô vãn cảnh Đà Nẵng cũng là một gợi ý hứa hẹn mang đến nhiều điều thú vị cho bạn.
6. Khách sạn tại Đà Nẵng
Đến du lịch Đà Nẵng du khách không phải lo lắng về vấn đề lưu trú, nghỉ dưỡng. Bởi hệ thống khách sạn, resort ở đây đa dạng, phong phú. Bạn có thể tham khảo một số khách sạn dưới đây:
Khách sạn Sông Công, số 305 Nguyễn Văn Thoại, Phước Mỹ, Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng.
Furama Resort Đà Nẵng, số 105 Võ Nguyên Giáp, Khuê Mỹ, Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng.
Khách sạn Seven Sea, số 150 Võ Nguyên Giáp, Phước Mỹ, Sơn Trà, Đà Nẵng.
Khách sạn A La Carte Đà Nẵng, Ngã 4 Võ Nguyên Giáp – Dương Đình Nghệ, Sơn Trà, Đà Nẵng…
7. Món ngon nhất định phải thưởng thức khi đến Đà Nẵng
Không chỉ sở hữu nhiều địa danh du lịch nổi tiếng, Đà Nẵng còn có hẳn một danh sách dài những món ăn ngon, cực kỳ đa dạng có thể làm say lòng mọi du khách.
Bánh tráng thịt heo
Với nguyên liệu đơn giản, dễ chế biến nhưng món bánh tráng thịt heo lại mang nét thuần Việt, làm ai cũng mê hoặc. Thịt heo được cắt mỏng, lựa chọn thịt đạt độ tươi, thơm, ngon. Bánh tráng phải xuất nguồn từ Đại Lộc – Quảng Nam. Món ăn này được cuốn kèm với rau sống đủ loại như xà lách, rau húng, rau quế, giá đỗ, hoa chuối… chấm với nước mắm pha tỏi ớt hay mắm nêm tùy khẩu vị mỗi người.
Bún mắm Đà Nẵng
Bún mắm Đà Nẵng là món ăn quen thuộc của người dân Đà thành. Sự kết hợp hài hòa giữa hương vị đậm đà của nước mắm nêm (mắm cá cơm nguyên chất) cùng với thịt heo thơm ngon, nêm, chả cùng với mít luộc, được ăn kèm với rau sống làm cho du khách đã từng được thưởng thức phải ngất ngây vô cùng.
Mỳ Quảng
Mỳ Quảng đã trở thành nét đặc trưng ẩm thực Đà Nẵng. Được chế biến đa dạng các nguyên liệu như mỳ sườn, mỳ gà nhưng phổ biến và ưa chuộng nhất vẫn là mỳ tôm trứng.
Sự kết hợp hài hòa và vô cùng đậm đà giữa nước lèo được ninh nhừ từ xương heo cùng với tôm giã nhuyễn tạo độ ngọt cho nước lèo, thêm gia vị, màu điều tạo nên độ sóng sánh bắt mắt. Mỳ Quảng được ăn kèm với rau sống, tất cả trộn lẫn vào nhau tạo nên mùi vị đậm đà khó quên. Và không thể quên rắc lên trên đậu phộng rang giã dập cùng với chiếc bánh tráng giòn tan làm cho tô mỳ thêm phần ngon gấp bội.
Gỏi cá Nam Ô
Gỏi cá Nam Ô có thể được chế biến từ cá mòi, cá tớp, cá cơm... nhưng ngon và thích hợp nhất là cá trích sống. Cá trích cỡ lớn hơn ngón tay, cắt đầu, đuôi, bụng, bỏ xương, tách thân làm hai và xắt từng miếng nhỏ, ép nước để ráo rồi đem ướp với gừng, riềng, tỏi băm nhuyễn và thính. Nước cốt cá được đun sôi, hòa thêm với nước mắm Nam Ô, ớt, bột năng, bột ngọt tạo thành thứ nước chấm đặc trưng cho riêng món gỏi. Rau ăn kèm với gỏi cá Nam Ô rất đa dạng và đặc biệt, là đọt non của các loại cóc rừng, tim lan, lành ngạnh, lá trâm, lá dừng… vốn chỉ mọc trên trên đèo Hải Vân.
Gỏi cá Nam Ô thì phải tới khu vực Nam Ô để thưởng thức mới đúng điệu. Hoặc nếu không, bạn có thể qua Nguyễn Tất Thành hay cầu Nam Ô và gọi một phần với giá từ 40.000 đồng.
Bánh bèo
Bánh bèo có rất nhiều loại, được phân biệt bởi hình dáng và cách ăn. Bánh bèo tai được sắp sẵn lên đĩa, bánh bèo chén được đúc sẵn trong chén tròn nhỏ. Và tất cả đều có nhân bánh hấp dẫn bên trên.
Nhân bánh làm từ tôm, cá bào ướp gia vị và sấy khô trên than hồng để loại mùi tanh. Hoặc cũng có nhân làm từ thịt nạc, nấm mèo… tạo nên một loại hỗn hợp đặc quánh có màu cam tươi rất đẹp mắt. Bánh bèo còn được ăn kèm với nem chua, chả bò cây. Tuy nhiên, món bánh bèo ngon hay không được quyết định bởi nước mắm ăn kèm. Chỉ là mắm ớt tỏi bằm nhuyễn được pha loãng với nước sôi nguội thêm ít chanh và đường nhưng lại khéo hợp với thứ bánh trắng mềm ấy.
Đến Đà Nẵng, ngồi quanh gánh bánh, vừa ăn vừa húp thứ nước mắm có vị ngọt thanh và thơm hương chanh mới thật thú! Bạn có thể tìm thấy các quán bánh bèo, bánh ướt bánh lọc ở bất kỳ con phố, ngõ hẻm nào trong thành phố và nhà hàng, khách sạn. Không kể đến những gành hàng rong thì khu bánh bèo ở chợ Cồn (cổng đường Hùng Vương), Hoàng Diệu, Hải Phòng, Ông Ích Khiêm (bán từ trưa, chỉ từ tháng 9 – tháng 2 hàng năm)… là chỗ nên thử. Mỗi chén bánh bèo chỉ khoảng 1.500 đồng.
Bê thui Cầu Mống
“Bê thui Cầu Mống” còn được người dân Đà Nẵng gọi với cái tên quen thuộc “bò tái Cầu Mống”. Món này nổi danh ngang hàng với mì Quảng.
Nghệ thuật thui bê gần như là một bí truyền và hiện không còn nhiều người làm được, vì yêu cầu đặc biệt của nó. Miếng thịt bê khi đưa ra khỏi lò phải đạt đủ hai tầng thịt tái, chín rõ rệt, còn bì (da) thì phải chín đến độ trong suốt, đồng thời lại giòn mềm vừa phải. Khi dọn ra, được pha thái khéo léo, từng miếng thái có cả phần thịt lẫn da.
Mắm phải là loại mắm cá cơm nguyên con, đem về được gạn lấy nước, thêm đường, ớt tỏi giã nhuyễn, cùng ít gừng và mè rang thơm vàng rất hấp dẫn. Rau ăn kèm với bê thui rất phong phú, bao gồm loại rau Trà Quế, tía tô, xà lách, cải non, khế chua, chuối chát xắt lát mỏng, ngò thơm , húng, quế và giá đỗ…
Trải miếng bánh tráng, đặt lên vài lát thịt bê thui, cuốn chung với rau sống, chấm nước mắm, nhai thật kĩ mới cảm nhận hết vị ngon ngọt của thịt bê cộng với vị mặn đậm đà thơm ngon của mắm quả khiến người ta dễ “quên sầu”. Bê thui Cầu Mống ngon nhất là ở Cầu Mống, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, cách Đà Nẵng 15km.
Mít trộn
Mít trộn, chỉ đơn giản là mít non luộc chín vừa tới, xé tơi để trộn gỏi thịt ba rọi hoặc tôm thẻ hay da heo xắt sợi, thêm đậu phộng giã dập, hành phi, nước mắm chua ngọt với ít rau răm và húng lủi. Nhưng lại khiến người ta ngây ngất trong mùi thơm quyến rũ và màu sắc bắt mắt.
Ốc hút
Ốc hút, là tên gọi dân dã người dân Đà Nẵng gọi riêng món ốc xào sả ớt. Ốc gạo, ốc bươu, ốc đắng... đem về ngâm, rửa sạch rồi đợi ráo nước, đem xào với sả ớt, gia vị, công thức không có gì đặc biệt mà vị thì đậm đà. Đến Đà Thành, chiều chiều lê la bên quán vỉa hè cùng người thân, bạn bè, hút ốc bằng tay, vừa ăn vừa hít hà vì cay, gọi thêm bánh tráng rồi chấm chấm nước ốc mặn mặn cay cay thì thật thích.
Chè xoa xoa hạt lựu
Xoa xoa nấu từ rau câu, hạt lựu làm từ bột lọc loại ngon, thạch đen được chế từ một loại lá cây mát trên rừng, đặc biệt nước cốt dừa được ép từ dừa nguyên chất… tất cả hợp lại làm nên thức uống ngon, mát lành.
Khi ăn, độ giòn giòn của thạch, nước dừa và đậu xanh đánh béo ngậy cộng thêm cái dai dai của hạt lựu làm cho người ăn quên hết mệt mỏi. Trong những ngày nắng, xoa xoa hat lựu thật là thứ giải khát tuyệt vời.
8. Những điểm tham quan hấp dẫn tại Đà Nẵng
Bán đảo Sơn Trà
Nói về những điểm tham quan hấp dẫn nhất tại Đà Nẵng đầu tiên phải kể tới Bán đảo Sơn Trà – lá phổi xanh của thành phố đáng sống.
Được xem là viên ngọc quý của thành phố, bán đảo Sơn Trà trở thành điểm du lịch nổi tiếng, thu hút nhiều du khách tới tham quan và chiêm ngưỡng. Nằm trên địa bàn phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, bán đảo Sơn Trà với những cung đường uốn lượn, quanh co đi đôi với hệ sinh thái động thực vật phong phú, đa dạng.
Cách trung tâm thành phố khoảng chừng 10km về phía Đông Bắc, hành trình khám phá bán đảo Sơn Trà bao gồm những điểm tham quan nổi tiếng nằm trong quần thể, đó là:
Chùa Linh Ứng Bãi Bụt
Tại thành phố Đà Nẵng có 3 ngôi chùa mang tên Linh Ứng, tọa lạc tại ngọn Thủy – Ngũ Hành Sơn, tại Bà Nà Hills và ngôi chùa thứ 3 đặt tại bán đảo Sơn Trà. Chùa Linh Ứng Bãi Bụt sở hữu một vị trí đẹp, mặt hướng ra biển, lưng quay lại núi. Điểm nhấn ngôi chùa là bức tượng Phật Quan Thế Âm Bồ Tát cao, đồ xộ. Pho tượng Phật có hướng nhìn ra biển, tay cầm lọ nước cam lộ một tay bắt ấn tam muội, mang ý nghĩa sâu sắc bảo vệ những ngư dân đi biển được thuận buồm xuôi gió.
Cây đa ngàn năm
Nằm ở phía Bắc bán đảo Sơn Trà, có một cây đa đã tồn tại hơn một ngàn năm, người dân Sơn Trà tôn xưng “già làng của núi rừng”. Có chiều cao vô cùng lý tưởng, hơn 26m, tán lá xum xuê. Không chỉ vậy, dưới gốc đa còn có 26 rễ phụ đâm xuống mặt đất, tạo nên sự kết nối, vững chắc cho cây đa.
Đến đây, du khách còn được lắng nghe câu chuyện ly kỳ được truyền lại thế hệ này sang thế hệ khác. Trước đây, những vị tiên trên trời thường chọn vị trí này để tụ họp, vui chơi mỗi độ xuống trần gian. Có lẽ vì đó, cây đa này có vẻ đẹp thật đáng quý.
Đỉnh bàn cờ tiên
Một trong những điểm đến không thể bỏ qua ở địa danh bán đảo Sơn Trà, đó chính là đỉnh bàn cờ tiên. Nằm trên đỉnh núi cao Sơn Trà, đỉnh Bàn Cờ có độ cao lý tưởng 700m so với mực nước biển. Từ địa điểm này du khách có thể phóng tầm nhìn ra xa ngắm toàn bộ thành phố Đà Nẵng. Đây ắt hẳn sẽ là điểm đến không thể bỏ qua trong chuyến hành trình khám phá bán đảo Sơn Trà.
Trải qua những cung đường chinh phục, lên được đỉnh bàn cờ tiên, du khách được thả hồn phiêu diêu cùng cảnh vật. Không khí xung quanh tựa như chốn bồng lai tiên cảnh nơi núi rừng. Đứng ở vị trí này, du khách được ngắm nhìn toàn bộ thành phố, những cây cầu bắc ngang qua dòng sông Hàn thơ mộng, xa xa kia là Cù lao Chàm một màu xanh xanh…
Leo lên đỉnh bàn cờ tiên vào buổi sớm tinh mơ, đắm chìm trong không gian cả thành phố đang nằm ngủ mơ màng quả là thú vị biết bao. Được hít thở không khí trong lành, bao nhiêu u phiền được tạm gác qua một bên, nhường chỗ cho sự thanh bình trong tâm hồn.
Mắt thần Đông Dương
Bán đảo Sơn Trà là nơi đóng quân của nhiều quân đội. Trên đỉnh Sơn Trà, có trạm rada được mệnh danh là “mắt thần Đông Dương” nằm ở độ cao lý tưởng 621 so với mực nước biển. Trạm rada này có chức năng đảm bảo độ an toàn vùng lãnh thổ kéo dài từ Đồng Hới thuộc tỉnh Quảng Bình đến Buôn Mê Thuột.
Do đây là căn cứ quân đội, được sử dụng trong vấn đề lãnh thổ, vì vậy du khách không thể lên tới nơi được. Đứng ở những khu vực xung quanh gần đó để ngắm nhìn và check-in các kiểu.
Cù Lao Chàm
Có thể nói Cù Lao Chàm là địa điểm du lịch không thể bỏ qua khi bạn đến với Đà Nẵng. Chỉ cách TT Tp. Đà Nẵng khoảng 30km thuộc xã Tân Hiệp, Hội An, Quảng Nam. Cù Lao Chàm Được ví như là một hòn ngọc thô giữa biển với vẻ đẹp tĩnh lặng, hoang sơ của cảnh quan thiên nhiên cùng các giá trị văn hóa lịch sử lâu đời.
Cù Lao Chàm còn được biết đến nhiều và nổi tiếng bởi những bờ cát trắng trải dài, biển xanh, các loại hải sản ngon rẻ và đặc biệt là những dải san hô tuyệt đẹp ở dưới biển.
Để tham quan trải nghiệm Cù Lao Chàm bạn có thể tự túc cho mình lịch trình riêng: Kinh nghiệm du lịch Cù Lao Chàm với 900K. Ngoài ra bạn có thể lựa chọn “tour Cù Lao Chàm với trải nghiệm vô cùng thú vị ” đi bộ dạo dưới biển mà không cần biết bơi” của Sea Trek. Bên này thì trang bị hỗ trợ trải nghiệm dưới biển khá hiện đại, các thiết bị đều nhập từ Mỹ nên khá đảm bảo an toàn và luôn có HDV đi cùng. Bạn có thể tự tay cho cá ăn, ngắm san hồ đầy sắc màu trên quãng đường đi bộ dưới biển.
Cảng Tiên Sa
Một địa danh không thể bỏ qua trong chuyến du lịch Đà Nẵng khám phá bán đảo Sơn Trà, đó chính là cảng Tiên Sa. Mặc cho trải qua bao nhiêu thăng trầm của lịch sử, cảng Tiên Sa ngày nay đã trở thành cửa ngõ chính ra biển Đông. Cảng Tiên Sa nắm vị trí trọng yếu trong hệ thống cảng Đà Nẵng. Không chỉ phát triển kinh tế du lịch biển thành phố mà cảng Tiên Sa còn góp phần thúc đẩy nền kinh tế ở miền Trung Việt Nam. Đồng thời, cảng này còn giữ vị trí quan trọng trên tuyến hàng hải Đông Nam Á và Đông Bắc Á, nối Mi-an-ma, Thái Lan, Lào với Việt Nam.
Ngoài những địa danh được kể trên, bán đảo Sơn Trà còn có bãi Rạng, bãi Bụt, bãi Đa, Mũi Nghệ, bãi Nam, bãi Đá Đen, bãi Bắc…
Các cây cầu ở Đà Nẵng
Đà Nẵng vốn mệnh danh là thành phố sông, núi, biển. Điểm nhấn khi đến với thành phố đáng sống này là những cây cầu được bắc ngang qua dòng sông Hàn mộng mơ. Đó là:
Cầu quay sông Hàn
Cầu quay sông Hàn được biết tới độ độc đáo với tên gọi cây cầu quay đầu tiên ở Việt Nam. Điều đặc biệt hơn nữa, sự thiết kế và xây dựng được thực hiện bởi những kiến trúc sư Việt Nam. Du khách được tận mắt chứng kiến khung cảnh cây cầu được tách đôi và quay quanh trục 90 độ để mở đường cho tàu chạy qua. Theo lịch muốn xem giờ quay cầu sông Hàn, từ thứ 2 tới thứ 6, cầu quay từ 1 giờ sáng và đóng trước 2 giờ sáng. Riêng thứ 7, chủ nhật, cầu sẽ quay ở khung giờ 23 đến 24 giờ cùng ngày.
Cây cầu càng lung linh hơn khi phố xá tất bật lên đèn. Cây cầu đổ bóng xuống mặt nước mang tới khung cảnh tuyệt đẹp biết bao, một ảo giác tuyệt vời. Du khách có thể tản bộ bên bờ sông Hàn, ngắm nhìn hình dáng cây cầu. Hoặc tấp vào một quán cà phê gần đó có view ngắm cầu, chụp hình các kiểu quả là khoảnh khắc khó quên.
Cầu Rồng
Từ cầu quay sông Hàn, du khách đưa mắt về phía Nam là thấy được cầu Rồng. Được mệnh danh là một trong năm chiếc cầu đẹp nhất Đông Nam Á, một trong ba mươi chiếc cầu ấn tượng nhất hành tinh, cầu Rồng có kiến trúc độc đáo. Được thiết kế bởi hình dáng con rồng màu vàng giữa lòng thành phố, tượng trưng cho sức mạnh.
Khi phố bắt đầu lên đèn, màn đêm xuống, cầu Rồng càng thêm lung linh, rực rỡ dưới hàng ngàn bóng đèn được thắp lên mình. Nếu du khách muốn tận mắt chứng kiến cầu Rồng phun lửa, phun nước, hãy ghé thăm cầu vào thứ 7, chủ nhật khung giờ 21h00.
Cầu Nguyễn Văn Trỗi
Không nổi bật, lung linh như cây cầu quay sông Hàn, cầu Rồng, cầu Nguyễn Văn Trỗi âm thầm cống hiến và hy sinh những năm tháng đấu tranh giành độc lập cho đất nước, giải phóng thành phố. Cây cầu Nguyễn Văn Trỗi có tuổi đời lâu nhất, ngón nghén cũng gần nửa thế kỷ. Được thiết kế xây dựng bởi hãng PMK (Mỹ), với lối kiến trúc vòm bằng giàn thép Poni, hoàn thành vào năm 1965, cầu Nguyễn Văn Trỗi phục vụ chủ yếu cho chiến tranh. Đến nay, cây cầu này được giữ lại như một báu vật, lưu lại những hoài niệm xa xưa.
Giờ đây, cầu chỉ dành đi bộ và phục vụ du lịch. Cây cầu trở thành địa điểm sống ảo của các bạn trẻ, nhiều đôi uyên ương tới đây chụp ảnh cho bộ album ảnh cưới của mình.
Cầu Trần Thị Lý
Sát bên cạnh cầu Nguyễn Văn Trỗi là cầu Trần Thị Lý. Cây cầu có lối kiến trúc độc đáo, với trụ dây văng nghiêng, không gian như cánh buồm căng gió, hàm nghĩa sâu sắc sự vươn lên của thành phố. Không chỉ tạo điểm nhấn cho thành phố, cây cầu góp phần nâng cao năng lực giao thông ở cửa ngõ phía Đông Đà Nẵng.
Khu du lịch Bà Nà Hills
Được mệnh danh là “đườg lên tiên cảnh”, Bà Nà Hills sở hữu độ cao lý tưởng so với mực nước biển là 1487m. Do đó, nhiệt độ dao động trung bình khoảng 20 độ C. Một ngày lên chiêm ngưỡng cảnh sắc nơi đây, du khách cảm nhận rõ 4 mùa trong cùng 1 ngày. Nét hoang sơ của núi rừng, tiết trời tựa như Châu Âu, góp phần tạo cho Bà Nà Hills một khu nghỉ dưỡng bậc nhất nước ta.
Cáp treo Bà Nà – Núi Chúa
Một địa danh được xem là “bắt buộc” bạn không thể bỏ qua, đó chính là cáp treo Bà Nà – Núi Chúa. Không ngồi trong chiếc ca bin cáp treo ấy thì làm sao bạn có thể qua được khu du lịch Bà Nà Hills. Tính tới thời điểm hiện nay, cáp treo Bà Nà đạt 4 kỷ lục được thế giới công nhận. Đó chính là:
+ Kỷ lục tuyến cáp treo một dây dài nhất
+ Cáp treo có độ chênh lớn nhất
+ Cáp treo có tổng chiều dài cáp dài nhất
+ Cáp treo có sợi cáp nặng nhất.
Những kỷ lục ấy làm cho thành phố luôn tự hào về địa danh nổi tiếng này. Mỗi cabin được ngồi khoảng 6 – 8 người. Trong lúc ngồi, bạn được chiêm ngưỡng cảnh vật bên dưới, gam màu xanh núi rừng bao phủ, những thác nước cứ thế mà chảy không biết mệt mỏi là gì.
Chùa Linh Ứng
Sau khi xuống cabin, du khách được hành hương về ngôi chùa linh thiêng mang tên Linh Ứng. Mang trong mình những nét kiến trúc truyền thống Phật Giáo Việt Nam, mặc cho ngôi chùa mới thành lập vào năm 2004.
Điểm nhấn ngôi chùa là bức tượng Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni có độ cao tới 27m. Được hòa vào tiếng chuông chùa vang vọng, dường như mọi âu phiền cuộc sống được gác qua một bên, nhường cho sự tịnh tâm trong tâm hồn.
Hầm rượu cổ Debay
Những thước phim sống động phương Tây được hiện hữu ở khu du lịch Bà Nà Hills, đó chính là hầm rượu cổ Debay. Xây dựng từ thời xa xưa, những hầm rượu người Pháp vẫn còn lưu giữ đến tận bây giờ. Với chiều dài 100m, luôn được giữ nhiệt độ khoảng 20 độ C, được vào bên trong chứng kiến những không gian hầm rượu đậm chất Pháp mang tới những cảm giác lạ.
Vườn hoa Le Jardin
Không chỉ được ngắm nhìn hầm rượu cổ Debay, không gian đầy sắc hoa với 9 khu vườn làm bạn phải choáng ngợp bởi mang mỗi phong cách khác nhau. Chẳng cần phải đến với thành phố ngàn hoa Đà Lạt, du lịch Đà Nẵng, du khách cũng được tha hồ ngắm nhìn, check-in mỗi loài hoa. Đây hứa hẹn địa điểm không thể bỏ qua khi đến với khu du lịch Bà Nà Hills.
Bảo tàng tượng sáp
Một điểm đến trong chuyến du lịch Đà Nẵng làm cho nhiều người cứ ngỡ là những con người thật. Những nhân vật nổi tiếng trên thế giới được những nghệ nhân đất nước Ý kỳ công tạo dựng. Mỗi bức tượng có một nét đẹp riêng, chi tiết đến từng chi tiết, tạo nên độ sống động chân thật, sắc sảo.
Làng Pháp cổ điển
Chẳng cần phải sang tận nước Pháp xa xôi mới có thể chinh phục một Paris lãng mạn giữa lòng Châu Âu.
Ngay tại Bà Nà Hills này, bạn có thể chiêm ngưỡng một chuỗi công trình tái hiện một nước Pháp cổ điển và lãng mạn vô cùng. Bao gồm, đó chính là quảng trường, nhà thờ, thị trấn, khách sạn, làng mạc, … Đến với Làng Pháp, bạn như ngược dòng thời gian, cùng trải nghiệm không gian sống tinh tế và đậm chất tình của một trong những quốc gia lâu đời nhất thế giới.
Bà Nà Hills Fantasy Park – Khu vui chơi giải trí trong nhà
Còn một điểm đến không có từ nào diễn tả độ tuyệt vời của nó, đó chính là khu vui chơi Fantasy. Khu vui chơi này đáp ứng nhu cầu giải trí mọi lứa tuổi, từ trẻ em cho đến thanh niên và người lớn. Lấy cảm hứng từ hai cuốn tiểu thuyết nổi tiếng, đó chính “Hành trình vào trung tâm Trái Đất” và “Hai vạn dặm dưới đáy biển” của nhà văn Pháp Jules Verne để tạo nên một Bà Nà Hills.
Tọa lạc nằm trên một đỉnh núi, khu vui chơi giải trí trong nhà duy nhất ở Việt Nam bao gồm rạp chiếu phim 3D Mega 360 độ hiện đại, tháp rơi tự do trong nhà cao nhất ở Việt Nam và khu vực (29m) với tầm nhìn ra quang cảnh ngoạn mục nhất khi ở trên đỉnh cao nhất của tháp.
Hay bức tường leo núi nhân tạo trong nhà cao nhất và lớn nhất (21m) dành cho những ai muốn chinh phục độ cao. Hoặc cuộc đua kỳ thú trong khu sân chơi xe điện đụng, thám hiểm khu công viên khủng long, cuộc du hành vào lòng đất độc đáo hay khu vui chơi softplay chỉ dành cho trẻ em nhỏ tuổi có diện tích lớn nhất tại Việt Nam.
Làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước
Một địa danh du lịch Đà Nẵng không thể bỏ qua, đó là làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước. Được hình thành từ giữa thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XVIII, làng do nghệ nhân người Thanh Hóa tên là Huỳnh Bá Quát khai phá. Trước đây, những sản phẩm đá mỹ nghệ được khai thác tại núi Ngũ Hành Sơn, nay nguyên liệu được chuyển từ tỉnh khác về.
Từ hòn đá vô tri vô giác được nghệ nhân làng nghề thổi hồn tạo nên những tác phẩm tuyệt hảo, sắc sảo và công phu. Sản phẩm làng nghề đa dạng bao gồm tượng thú, tượng Phật, tượng Thánh… Đến đây, du khách tha hồ mua sắm một vài món quà cho người thân và bạn bè.
Công viên Châu Á
Được mệnh danh là khu vui chơi giải trí quốc tế, công viên Châu Á với mức đầu tư khủng lên tới 4.000 tỷ đồng. Công viên Châu Á được chia thành 4 khu chức năng chính: công viên văn hóa, công viên trò chơi, khu nhà biểu diễn đa năng và bãi đỗ xe.
Đến đây, du khách tha hồ trải nghiệm hàng loạt các trò chơi tầm cỡ quốc tế, hiện đại từ hoạt động vui chơi giải trí năng động, sôi nổi cho tới các hoạt động giải trí nhẹ nhàng. Cảm giác được ngồi trong cabin vòng quay mặt trời ngắm nhìn toàn cảnh thành phố về đêm quả là tuyệt vời và nhớ mãi.
9. Những trải nghiệm không nên bỏ qua ở Đà Nẵng
Thể thao mạo hiểm
Tại Đà Nẵng có nhiều môn thể thao mạo hiểm. Trong đó, nhảy dù lượn trên đỉnh Sơn Trà, trượt thác ở Hòa Phú Thành, đu dây tụt vách đá ở Sơn Trà… được nhiều du khách ưa mạo hiểm yêu thích. Nhưng những trò chơi cảm giác mạnh này không dành cho người yếu tim.
Thể thao Biển
Công viên Sao biển, Mỹ Khê, Đà Nẵng là khu giải trí tổng hợp gồm nhà hàng, sân khấu ca nhạc, trình diễn thời trang ngoài trời hằng đêm, khu thể thao bãi biển với các hoạt động ván lướt, canô kéo, Jetsky, thuyền buồm, dù bay… và khu Beach Bar phục vụ 24/24 với nhạc disco và DJ rất sôi động. Bạn có thể tổ chức đốt lửa trại, sinh hoạt ngoài trời tại đây.
Đón bình minh và ngắm hoàng hôn
Sáng sớm, một cảnh tượng rất tuyệt ở Đà Nẵng mà bạn không nên bỏ lỡ, đó là ra bãi biển ngắm cảnh bình minh và xem người dân kéo lưới.
Bình minh và hoàng hôn ở biển Đà Nẵng hay bên những cây cầu là khoảnh khắc vô cùng tuyệt diệu bạn không nên bỏ lỡ.
Thưởng thức ẩm thực ở chợ Cồn
Chợ Cồn (Gác 3 TT Thương Nghiệp Hùng Vương, phường Hải Châu 1, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) không chỉ là một trong những địa điểm tham quan, du lịch nổi tiếng Đà Nẵng mà còn là trung tâm mua sắm và ẩm thực lớn nhất Đà Nẵng. Ở đây, bạn sẽ bị mê hoặc các gian hàng ăn uống. Dường như, tất cả món ăn ngon đặc sản, đặc trưng nổi tiếng và hấp dẫn của miền Trung nhất định phải ăn đều tập trung về đây.
10. Một số vũ trường, bar ở Đà Nẵng
Skybar Đà Nẵng, tầng 35 -36, Novotel Danang (skybar cao nhất Việt Nam)
Vegas Club, số 192 đường 2/9, kinh doanh nhà hàng, ăn uống, giải khát; rượu, bia, hoạt động tổ chức biểu diễn.
New Phương Đông, số 20 Đống Đa, bar, ca nhạc, khiêu vũ
Seventeen Saloon, đường Trần Hưng Đạo, kinh doanh nhà hàng, rượu bia, nước giải khát, hoạt động biểu diễn nghệ thuật, bar.
Danang Beach Club, tại biển Mỹ Khê, Phường Mỹ An
Memory, đường Bạch Đằng
11. Những lưu ý khi đi du lịch Đà Nẵng
Để không bị “chặt chém” và có chuyến đi an vui, tiết kiệm bạn nên nằm lòng nhưng điều này:
Sân bay nằm ngay gần trung tâm thành phố, bạn đi taxi chỉ khoảng 50,000 đồng là tới chân cầu sông Hàn.
Càng ra xa khu vực trung tâm đồ ăn và khách sạn – nhà nghỉ càng rẻ.
Nếu bị “chặt chém” hay gặp bất cứ vấn đề gì về dịch vụ du lịch, bạn hãy gọi điện cho Chi cục Quản lý thị trường: 0511.3825467/ 090.3502480 hay Thanh tra Sở Du lịch Đà Nẵng: 0511.3886761/ 090.5155159.
Mua sắm ở chợ Cồn giá cả hợp lý hơn ở chợ Hàn.
Buổi tối thứ 7 và Chủ Nhật lúc 21 giờ ở Cầu Rồng có phun lửa, phun nước, bạn có thể ra đây để chiêm ngưỡng “đặc sản” này của Đà thành.
Cầu sông Hàn không quay lúc 21 giờ Chủ Nhật để phục vụ khách du lịch.
Bãi biển Mỹ Khê và Phạm Văn Đồng lúc 16 giờ sẽ cho chim bồ câu ăn, bạn có thể ra đây để chụp ảnh và chơi đùa cùng chim bồ câu.
Khi thuê xe máy bạn nên lưu ý hỏi rõ về giờ trả xe, nếu quá giờ thì tính phí như thế nào… Và nên thuê xe số nếu muốn đi lên đỉnh núi Sơn Trà, xe ga nhiều đoạn dốc yếu khó đi.
Nên xem kỹ về chất lượng và thống nhất rõ giá cả các mặt hàng trước khi quyết định mua.
Lưu ý luôn ghi nhớ số biển xe taxi trước khi lên, đồng thời ghi nhớ cả số điện thoại của hãng và điện thoại của công an.
12. Những đặc sản nên mua về làm quà khi đến Đà Nẵng
Các món mực Đà Nẵng
Mực rim me là một đặc sản “vạn người mê” ở Đà Nẵng. Mực tươi được rửa và phơi nắng, tạo nên độ dai mà không bị khô, cứng. Khi thưởng thức, bạn sẽ thấy được vị chua ngọt đậm đà của me thấm vào từng miếng mực dai, ăn cùng cơm hoặc làm đồ nhắm với bia thì “thơm ngon hết sẩy”.
Trong khi đó, mực khô Đà Nẵng được đánh bắt, tẩm gia vị, phơi nắng và bảo quản khô, là đặc sản Đà Nẵng nên mua về để nhâm nhi cùng bè bạn, người thân.
Còn mực xé ăn liền được làm từ mực tươi, sau các công đoạn tẩm ướp, sấy khô và cán mỏng đã tạo ra món mực tẩm gia vị xé ăn liền ngon miệng mà vô cùng tiện lợi, có thể dùng được ngay mà không cần mất công chế biến.
Cá khô Đà Nẵng
Cá khô cũng được nhiều du khách lựa chọn làm quà đặc sản Đà Nẵng sau chuyến du lịch. Một số loại cá khô có thể kể đến như: Cá thu tẩm, cá thiều tẩm, cá chỉ vàng, cá đét khô,… Những loại cá này chỉ cần nướng lên là đã thấy mùi thơm phức quyến rũ, khi ăn có vị dai giòn đậm đà càng ăn càng “nghiện”.
Bò khô Đà Nẵng
Bò khô là món ăn khoái khẩu của nhiều thực khách. Từng sợi bò khô được chọn lọc ra từ loại thịt bò ngon nhất. Thịt được chặt ra, ướp gia vị, sấy lên và cho ra từng sợi nhỏ. Bò khô Đà Nẵng có màu sẫm, có vị ngọt và độ dai vừa phải rất thích hợp để nhấm rượu, trò chuyện tán gẫu bên cốc bia hay tán gẫu cùng bè bạn.
Nai khô Đà Nẵng
Nai khô cũng là một trong những đặc sản Đà Nẵng mua về làm quà phổ biến và rất được người dân Đà Nẵng và khách du lịch gần xa lựa chọn vào túi quà của mình. Nai khô Đà Nẵng có vị thơm, cay đậm, khi ăn thì dùng tay xé nhỏ ra từng miếng.
Chả bò Đà Nẵng
Chả bò là món ngon khá phổ biến tại Đà Nẵng và được nhiều du khách chọn lựa mua về cho người thân. Chả bò Đà Nẵng được làm từ thịt bò nguyên chất nên có mùi thơm, vị ngọt, giòn dai đậm đà, ăn kèm với dưa chua, nem thì “ngon hết sảy”.
Ghẹ sữa rim Đà Nẵng
Ghẹ sữa là loài ghẹ vỏ mềm và có thể ăn được cả nguyên con. Sau khi được đánh bắt thì ghẹ được sơ chế và rim cùng với các loại gia vị và nước sốt me, mang lại hương vị chua, cay, mặn, ngọt hoà quyện và đậm đà hấp dẫn.
Nước mắm Nam Ô Đà Nẵng
Làng biển Nam Ô nằm bên biển Đà Nẵng nổi tiếng với nghề làm nước mắm truyền thống. Nước mắm Nam Ô được làm thủ công bằng cá cơm than, một loại cá giàu đạm được khai thác vào tháng 3 hàng năm. Cá cơm được ủ với muối, chưng cất gần cả năm mới cho ra được những giọt nước mắm đậm đà tươi ngon. Có dịp đến Đà Nẵng bạn đừng quên ghé vào mua một vài chai về làm quà cho gia đình, bạn bè.
Mắm nêm, mắm ruốc Đà Nẵng
Nhắc đến những đặc sản Đà Nẵng mà bỏ qua các loại mắm thì quả là một sự thiếu sót. Đây là món ăn phổ biến dùng trong những bữa ăn hàng ngày của người dân Đà Nẵng, đặc biệt là ngư dân miền biển. Người dân Đà Nẵng sống bằng nghề biển đã bao đời nên những sản vật được chế biến từ những hải sản đã trở nên rất phổ biến. Mắm nêm, mắm ruốc Đà Nẵng có vị mặn đậm đà của biển, thể hiện rõ nét phong vị ẩm thực miền Trung.
Rong biển Mỹ Khê
Biển Mỹ Khê – Đà Nẵng không chỉ được nhiều du khách biết đến với cảnh đẹp mê đắm lòng người mà còn do rong biển Mỹ Khê, nguyên liệu được nhiều chị em nội trợ yêu thích để nấu canh, xào, salad, sốt đậu… Các món làm từ rong biển Mỹ Khê có màu xanh tươi bắt mắt cùng vị ngọt đậm đà.
Tré Bà Đệ Đà Nẵng
Đây là món ngon Đà Nẵng được nhiều người ưa chuộng. Nem tré được làm từ thịt lợn nạc, thái nhỏ trộn với gia vị và cuốn trong lá chuối xanh. Món có vị tươi ngon của thịt lợn nạc, vị thấm mặn của gia vị và dai khi ủ men. Nem Tré nổi tiếng nhất là của Bà Đệ với công thức chế biến gia truyền nên người ta người ta ấy luôn tên bà để gọi loại nem tré vang danh xứ Đà thành. Món có giá rẻ, bình dân và được bày bán khá phổ biến ở chợ Hàn, siêu thị đặc sản Đà Nẵng hoặc tại các điểm du lịch.
Bánh khô mè Đà Nẵng
Loại bánh được làm từ bột gạo, bột nếp, đường kính và mè này khá phổ biến ở Đà Nẵng. Bánh được chế tỉ mẩn và có nhiều hình dạng khác nhau, ăn vào thì có vị mè bùi bùi giòn tan, xốp, ngọt dịu từ đường kính. Có nhiều địa chỉ làm bánh mè khô nhưng bánh mè khô Bà Liễu tại Cẩm Lệ, Đà Nẵng là địa chỉ nổi tiếng hơn hết.
Bánh có vị ngon dân dã, gần gũi, có giá rẻ phải chăng nên nhiều người đã lựa chọn bánh mè khô như một gói quà bình dân cho mình trên chuyến vi vu Đà Nẵng.
Bánh dừa nướng Đà Nẵng
Bánh dừa nướng là một món ăn vặt của người dân miền Trung nói chung và người dân Đà Nẵng nói riêng. Bánh được làm từ bột nếp và dừa tươi và có vị giòn giòn, thơm bùi. Thưởng thức bánh dừa cùng một tách trà, bạn sẽ cảm thấy vô cùng dễ chịu và sảng khoái.
Kẹo đậu phộng Đà Nẵng
Kẹo đậu phộng Đà Nẵng được làm từ những nguyên liệu đơn giản như: Đậu phộng, mật mía, bánh tráng, vừng,… nhưng lại tạo nên một “thành phẩm” vô cùng độc đáo với mùi thơm ngọt ngào của mật mía, hương vị bùi bùi của đậu phộng và giòn tan của bánh tráng hoà quyện. Kẹo đậu phộng có giá thành rẻ nên đã trở thành một món ăn vặt phổ biến của người dân nơi đây và là đặc sản Đà Nẵng làm quà được nhiều du khách lựa chọn mua về.
Trà sâm dứa Đà Nẵng
Trà sâm dứa là một loại trà nổi tiếng được sản xuất từ những búp trà xanh non, lá dứa cùng một số các loài hoa khác, tạo nên một thức uống tươi mát, có mùi lá dứa thơm lừng dễ chịu và mang nhiều công dụng tốt cho sức khoẻ.
Đá Non Nước – Ngũ Hành Sơn
Làng đá mỹ nghệ Non Nước là làng nghề truyền thống vang danh từ lâu của Đà Nẵng. Sản phẩm của đá mỹ nghệ Non Nước – Ngũ Hành Sơn thường tập trung vào những hình tượng tôn giáo, tâm linh thể hiện giá trị văn hóa người Việt xưa. Bên cạnh đó, các vật dụng hàng ngày như chày, cối, hình tượng con lân, sư tử, đại bàng cũng được chế tác thành những tác phẩm đặc sắc có giá trị nghệ thuật cao. Đến đây bạn hãy mua vài bức tượng nhỏ xinh để làm quà cho người thân và bạn bè nhé.
Bạn có thể dễ dàng mua những đặc sản ở trên đây tại chợ Hàn, chợ Cồn hoặc trong các siêu thị đặc sản ở Đà Nẵng.
Vậy là VietSense Trave đã thông tin tới bạn trọn bộ bí kíp du lịch Đà Nẵng tự túc mới nhất. Chúc các bạn có chuyến vi vu Đà Nẵng với nhiều trải nghiệm lí thú, an toàn và tiết kiệm.
-
Tin tức mới hơn
- Trải nghiệm chợ đêm Dinh Cậu, Phú Quốc 23/03/2020
- Khám phá New Zealand, vùng đất của Chúa Nhẫn 30/03/2020
- Vẻ đẹp quyến rũ mùa thu vàng nước Nga 08/04/2020
- Thưởng ngoạn mùa hoa Anh đào Nhật Bản 14/04/2020
- Trải nghiệm phố đêm Patong, Phuket, Thái Lan 14/04/2020
- Tinh khôi mùa hoa Cải trắng trên cao nguyên Mộc Châu 14/04/2020
- 3 Tour du lịch nước ngoài được yêu thích nhất mùa hè 2024 28/03/2024
- Chuyện về Cô Sáu linh thiêng ở Côn Đảo 20/04/2020
- Sống chậm ở đảo quốc Sri Lanka 14/05/2020
- Chia sẻ kinh nghiệm Du lịch Đảo Lý Sơn 23/05/2020
- Sapa có gì mà hấp dẫn thế? 28/05/2020
- Vẻ đẹp những mùa hoa trên cao nguyên Mộc Châu 24/02/2020
- Tại sao nên đi du lịch Quảng Bình bằng tàu hỏa? 25/02/2020
- Ký sự hành hương An Giang - Côn Đảo 11/03/2020
- Hướng dẫn cách làm Marketing Du lịch Online để đuổi không hết khách 22/01/2020
- 3 con giáp làm du lịch phất như diều trong năm Canh tý 2020 24/01/2020
- Muốn đi du lịch Thổ Nhĩ Kỳ phải biết những điều này! 07/12/2019
- Du lịch Maldives tự túc nhất định phải "nằm lòng" những mẹo này 11/12/2019
- Du lịch Đà Nẵng như cái lờ, chờ cho cá vào rồi chén! 13/01/2020
- Trọn bộ bí kíp du lịch châu Âu cho người lần đầu xuất ngoại 21/11/2019 Tin tức cũ hơn
- Tất tần tật thông tin du lịch Mỹ cho du khách Việt 19/11/2019
- 12 điều cần biết để du lịch Dubai an toàn, ngon, bổ, rẻ 19/11/2019