Cẩm nang du lịch Côn Đảo toàn tập cho người hành hương

Trước đây, Côn Đảo được biết đến như địa ngục trần gian, nơi có Nhà tù Côn Đảo khét tiếng một thời. Ngày nay, Côn Đảo được xem là thiên đường nơi trần thế và trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn bậc nhất ở Việt Nam nhờ sở hữu những bãi biển hoang sơ tuyệt đẹp, hệ thống rừng nguyên sinh cùng những chứng tích lịch sử can hùng của dân tộc Việt Nam.

Đặc biệt, Côn Đảo là nơi chôn cất hàng vạn chiến sĩ cách mạng Việt Nam. Trong đó có nữ Anh hùng dân tộc Võ Thị Sáu. Chính điều đó đã biến Côn Đảo trở thành điểm du lịch tâm linh đặc biệt hấp dẫn. Dưới đây là tất tần tật những thông tin về du lịch Côn Đảo VietSense gửi đến bạn:

1. Tổng quan về Côn Đảo

Côn Đảo là một quần đảo ngoài khơi thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cách Vũng Tàu 97 hải lý và cách sông Hậu 45 hải lý. Côn Đảo trước kia còn được gọi là đảo Côn Sơn hoặc đảo Côn Lôn hay đảo Côn Nôn. Tên gọi cũ trong các văn bản tiếng Anh và tiếng Pháp là Poulo Condor.

Năm 1977, Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam quyết định tên gọi chính thức của quần đảo này là Côn Đảo. Côn Đảo cũng là đơn vị hành chính cấp huyện của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

Côn Đảo có cùng một kinh độ với Thành phố Hồ Chí Minh (106°36′) và cùng một vĩ độ với tỉnh Cà Mau (8°36′).

Quần đảo Côn Đảo gồm 16 hòn đảo với tổng diện tích 76 km².

Côn Đảo là một trong 21 khu du lịch quốc gia của Việt Nam, được nhiều du khách đánh giá là thiên đường của nghỉ dưỡng và khám phá thiên nhiên. 

2. Những điều cần biết khi đi lễ mộ cô Sáu tại Côn Đảo

Đối với du khách Việt Nam, lễ mộ cô Sáu là một trong những điều cần làm khi đến Côn Đảo. Việc đi lễ mộ cô Sáu rất đặc biệt vì hoạt động này thường diễn ra vào giờ Tý (sau 22h đêm). Theo người dân địa phương, đây là khung giờ linh thiêng, thành tâm đi lễ. Vào thời điểm này, những ước nguyện sẽ dễ thành hiện thực. 

Mỗi người có một cách thức đi lễ, tuy nhiên VietSense xin gợi ý quy trình hợp lý nhất cho du khách. Đầu tiên, khi đến Côn Đảo, du khách nễ vào lễ đài tượng niệm (cột cao nhất ở Hàng Dương). Tại đây, du khách sẽ làm lễ chính cho các chiến sỹ cách mạng.

Sau khi làm lễ tại đài tưởng niệm, du khách bắt đầu đi vào viếng mộ các chiến sỹ cách mạng nổi tiếng, tiêu biểu như mộ nhà yêu nước Lê Hồng Phong, Nguyễn An Ninh nằm tại khu A nghĩa trang Hàng Dương. Du khách đi lễ lần lượt từ khu A, đến khu B, khu C, và cuối cùng là khu D.

Khi đi lễ vào buổi sáng, du khách chỉ tiến hành lễ trình cô tại mộ cô Sáu, lễ chính sẽ diễn ra vào buổi tối.

Sau khi đi hết các khu mộ, du khách có thể về nghỉ ngơi hoặc khám phá các địa điểm khác ở Côn Đảo như miếu bà Phi Yến, nhà tù Côn Đảo, chùa Núi Một.

Đi viếng mộ cô Sáu vào buổi tối là phần tiếp theo của quy trình đi lễ tại Hàng Dương. Trước khi đến mộ cô Sáu, du khách cũng sẽ ra lễ tại đài tưởng niệm một lần nữa rồi mới bắt đầu vào lễ cô Sáu. Nếu có nhiều đồ lễ, du khách nên đến sớm để bày biện. Buổi tối tại phần mộ của cô Sáu rất đông, du khách hãy kiên nhẫn chờ đến lượt mình vào làm lễ, tránh chen lấn, xô đẩy.

Du khách có thể chuẩn bị đồ lễ tại nhà hoặc mua ở chợ trung tâm thị trấn Côn Đảo. Bộ đồ lễ viếng mộ cô Sáu cơ bản bao gồm: 1 nón lá, 1 sấp giấy tiền vàng bạc tổng hợp, 1 bộ lược gương, 1 sấp các thỏi vàng, 1 chai nước suối, 1 bó nhang và quan trọng nhất là hoa trắng.

Cô Sáu rất thích hoa trắng nên tuyệt đối đừng quên món đồ cúng này. Với những người giàu kinh nghiệm đi lễ và cầu kì hơn, họ đặt mua cả áo dài được may đo thật.

Khi đặt đồ lễ, nên để ngửa nón lá lên, sau đó bày tất cả đồ cúng vào lòng nón lá, rồi đặt bộ lễ lên mộ Cô Sáu. Du khách cũng nên chuẩn bị cả đồ lễ viếng mộ các anh hùng liệt sĩ tại nghĩa trang Hàng Dương với cờ Tổ quốc, khăn rằn, mũ tai bèo và quần áo bộ đội. Những đồ lễ sẽ không bị đốt bỏ mà được Ban Quản lý nghĩa trang giữ lại sau khi lễ xong.

3.Kinh nghiệm khi đi lễ tại Côn Đảo

Côn Đảo là địa điểm linh thiêng nên khi đến nghĩa trang Hàng Dương, bạn nên hạn chế đùa giỡn, nói bậy. Đặc biệt, du khách nên chuẩn bị trang phục lịch sự, không ngắn cũng không hở hang để tránh làm mất mỹ quan, gây ảnh hưởng đến sự tôn nghiêm của Côn Đảo. Tốt nhất bạn nê mặc quần dài, áo có cổ, có tay lịch sự.

Bạn có thể tham gia tour du lịch Côn Đảo do VietSense Travel tổ chức để được các hướng dẫn viên có nhiều năm kinh nghiệm của chúng tôi hướng dẫn.

  1. Các hình thức du lịch Côn Đảo

Để khám phá Côn Đảo, bạn có thể đi theo du lịch bụi hoặc du lịch theo tour. Đây là hai hình thức du lịch phổ biến nhất hiện nay được mọi người biết đến. Mặc dù du lịch bụi nếu khéo léo bạn có thể tiết kiệm, nhưng những người có kinh nghiệm vẫn thường lựa chọn đi theo tour du lịch Côn Đảo của VietSense Travel để được tận hưởng kỳ nghỉ thư giãn sau những ngày làm việc căng thẳng.

Với du lịch bụi mọi thứ bạn đều phải tự túc nên việc phải mang theo nhiều việc dụng cần thiết. So với việc đi du lịch bụi thì du lịch tour đơn giản hơn nhiều, bạn chỉ việc mang theo 1 chiếc vali đựng quần áo và 1 số phụ kiện, dụng cụ vệ sinh cá nhân và tận hưởng cảm giác nghỉ ngơi thư giãn, những việc còn lại VietSense Travel sẽ làm giúp bạn. Đặc biệt, khi đến một nơi xa lạ, việc đi theo các tour sẽ đảm bảo an toàn hơn rất nhiều cho bạn so với hình thức du lịch bụi.

Với các tour du lịch, bảo hiểm là các dịch vụ sẵn có và bắt buộc trong khi du lịch phượt, bảo hiểm thường không được quan tâm thậm chí nhiều người còn bỏ qua, nhưng VietSense Travel sẽ đóng bảo hiểm đầy đủ cho bạn.

4. Đi du lịch Côn Đảo mùa nào

Côn Đảo có kiểu thời tiết khá tương đồng với thành phố Hồ Chí Minh. Mỗi mùa mang những nét đẹp riêng để bạn khám phá.

Theo kinh nghiệm của VietSense thì chuyến du lịch Côn Đảo sẽ có 2 khoảng thời gian vô cùng lý tưởng. Đó là từ tháng 3 đến tháng 9 và từ tháng 10 đến tháng 2 năm sau.

Nếu đi du lịch côn Đảo từ tháng 3 đến tháng 9, là mùa mưa ở Côn Đảo. Tuy nhiên, những cơn mưa chỉ khéo dài từ 30 phút đến 1 tiếng. Nhưng sau cơn mưa, cảnh sắc thiên nhiên của quần đảo sẽ tươi mát hơn, ánh nắng cũng dịu nhẹ hơn. Và quan trọng nhất là mùa này, biển ở Côn Đảo cũng khá lặng sóng, thuận lợi cho các hoạt động đi lại, vui chơi, giải trí, khám phá.

Nếu du lịch Côn Đảo khoảng thời gian từ tháng 10 tới tháng 2, biển ở Côn Đảo động, vì thế chi phí các loại dịch vụ rất đắt đỏ. Bên cạnh đó, du lịch Côn Đảo vào mùa này không thể tắm biển được. Bù lại bạn có thể thăm quan các di tích lịch sử nổi tiếng, thắp hương cho các vị anh hùng dân tộc hay khám phá rừng nguyên sinh… mà ít bị những cơn mưa bất chợt làm phiền.

5. Đến Côn Đảo bằng cách nào?

Hàng không

Hiện chỉ có Vietnam Airlines kết hợp với Vasco thực hiện đường bay Côn Đảo. Bạn có thể bay thẳng từ thành phố Hồ Chí Minh hoặc Cần Thơ ra Côn Đảo. Nếu từ Hà Nội, bạn phải transit ở một trong hai nơi kể trên. Trong đó, từ thành phố Hồ Chí Minh, ngày nào cũng có từ 4 đến 5 chuyến bay ra Côn Đảo. Hành khách được mang tối đa 20 kg hành lý ký gửi và 7 kg hàng lý xách tay miễn phí. Thời gian bay khoảng 55 phút.

            Tàu biển

Ngoài máy bay, du khách có thể di chuyển đến Côn Đảo bằng tàu biển từ cảng Cát Lở (Vũng Tàu) ra cảng bến Đầm (Côn Đảo) và ngược lại. Tàu chuyên chở hành khách và hàng hóa gọn nhẹ, ngoài ra còn có thể chở được xe máy.

Tàu Côn Đảo 09 có sức chứa khoảng 238 giường, là những phòng tập thể với khoảng 30 giường/phòng.

Tàu Côn Đảo 10 có sức chứa 140 giường. Mỗi phòng có từ 6 giường đến 10 giường.

Tuy nhiên khả năng bị say sóng khi di chuyển bằng tàu biển khá cao. Vào mùa biển lặng (từ tháng 3 đến tháng 9 hàng năm) thì việc đi tàu ra Côn Đảo là một trải nghiệm thú vị. Tuy nhiên từ tháng 10 cho đến tháng 3, việc đi tàu sẽ là một cực hình, nhất là đối với những khách bị say tàu xe.

Tàu thường xuất phát lúc 7 giờ và khoảng 17 giờ đến cảng Bến Đầm – Côn Đảo và ngược lại. Trên tàu có căng-tin nhỏ phục vụ các loại thức uống đóng chai, lon. Thức ăn chủ yếu là mì tôm và trứng gà luộc. Từ cảng bến Đầm đi vào trung tâm thị trấn Côn Sơn khoảng 12 km.

Giá vé là 350.000 đồng một lượt (khởi hành tại Vũng Tàu).

Ngoài ra, Tàu cao tốc Superdong đi từ Sóc Trăng đến Côn Đảo có sức chứa 306 khách với thời gian di chuyển là 2,5 tiếng cũng sẽ là lựa chọn cho du khách.

Tàu cao tốc Superdong Sóc Trăng - Côn Đảo: xuất phát lúc 8 giờ từ Cảng Trần Đề (Sóc Trăng) đến Cảng Bến Đầm(Côn Đảo). Và lúc 13 giờ từ Cảng Bến Đầm(Côn Đảo) đến Cảng Trần Đề (Sóc Trăng).

6. Phương tiên di truyển trên đảo Côn Đảo

Ở Côn Đảo, bạn có thể di chuyển bằng xe điện, taxi hoặc xe 16 chỗ ngồi. Bạn cũng có thể thuê xe máy, giá từ 100.000 đồng đến 150.000 đồng/xe/ngày. Lưu ý là trên đảo chỉ có 2 cây xăng, nên bạn chú ý đổ xăng đầy bình trước khi có chuyến đi ra xa trung tâm.

7. Các món ăn nên thử khi đến Côn Đảo

Nhìn chung, ở Côn Đảo không có nhiều nhà hàng, quán ăn ngoài nhà hàng trong các khách sạn hay resort, nhưng các quán ăn ở đây có giá tương đương nhau và nấu nướng khá ngon.

Những đặc sản nên thưởng thức khi du lịch Côn Đảo gồm:

Cháo hàu

Cháo hàu là món ăn du khách thường truyền tai nhau nhất định phải thử khi đến Vũng Tàu nói chung và Côn Đảo nói riêng. Nguyên liệu chính của một bát cháo hàu là gạo ngon, hạt tròn mẩy, thêm một chút gạo nếp để tạo độ đặc và sánh. Hàu tươi được đánh bắt từ biển, sau đó làm sạch, tẩm ướp gia vị và xào qua cho ngấm. Khi cháo chín, người nấu đổ hàu đã xào vào rồi nêm gia vị cho vừa ăn.

Ốc vú nàng

Ốc vú nàng là loài ốc mang tên này bởi hình dáng giống với đôi gò bồng đảo của phụ nữ, đây là một trong những món ăn hấp dẫn nhất từ tên gọi cho đến hương vị. Ốc vú nàng có hình chóp nhọn thẳng, với thịt bên trong ốc trắng nõn và đầy đặn.

Ốc vú nàng dù được chế biến bằng cách nướng, luộc, xào hay làm gỏi… cũng đều hấp dẫn. Tuy nhiên theo nhiều du khách, ngon nhất vẫn là ốc vú nàng nướng mỡ hành. Đây là đặc sản nổi tiếng của Côn Đảo nên du lịch Côn Đảo bạn đừng bỏ lỡ thưởng thức đặc sản này.

Cua mặt trăng

Cua mặt trăng là một loại cua có hình dáng kỳ lạ, trên lưng có nhiều đốm đỏ mà đậm pha màu hồng tươi. Nếu nhìn kỹ và biết liên tưởng, bạn sẽ thấy nó cũng gần giống với mặt trăng.

Cách chế biến phổ biến nhất là luộc hay hấp chín, khi đó thịt cua chấm với muối tiêu chanh thực sự rất tuyệt. Tuy nhiên cũng có rất nhiều cách chế biến khác nhau và hấp dẫn cũng không kém như làm lẩu, nấu canh, nấu bún hay dùng thịt cho vào bánh canh. Mỗi cách chế biến đều đem lại những hương vị độc đáo riêng biệt, thơm ngon, ngọt ngào hơn bởi hương vị vốn dĩ đã rất đặc biệt của loài cua này.

            Mắm nhum

Mắm nhum được mệnh danh là loại mắm quý tộc, bởi để đánh bắt và làm ra được một bát mắm nhum chất lượng đòi hỏi sự tỉ mỉ, kỳ công. Dưới triều Nguyễn, mắm nhum còn là một trong những lễ vật dâng lên triều đình hàng năm.

Mắm nhum được dùng để chấm các món luộc hay bánh tráng cuộn. Khi thưởng thức, bạn sẽ cảm nhận được vị ngọt của thịt nhum, thêm chút vị mắm mòi của biển, chua chua, bùi béo thú vị.

            Tôm hùm đỏ

Tôm hùm đỏ còn có tên gọi khác là tôm hùm lửa bởi màu đỏ sậm rất đặc trưng của loài tôm vùng này. Tôm hùm đỏ Côn Đảo không to nhưng thịt cua rất dai, ngọt và săn chắc.

Thịt tôm hùm không chỉ ngon, mà ở dọc sống lưng và đầu của nó còn có một lớp gạch tôm rất giàu dinh dưỡng, mỗi khi mùa đông tới lớp gạch này còn dày hơn. Tôm hùm đỏ có thể chế biến thành rất nhiều món khác nhau như sushi, hấp, gỏi, nướng hay làm cháo.

            Sá sùng

Sá sùng là một trong những loại hải sản quý hiếm bởi rất khó đánh bắt và chỉ xuất hiện nhiều vào đầu tháng 3 cho đến tháng 7 hàng năm. Đến với Côn Đảo, bạn nhất định không thể bỏ qua món đặc sản này.

Sá sùng cũng có thể được chế biến thành nhiều món khác nhau như xào rau, nấu cháo, canh, nướng vàng, chiên giòn, làm gỏi… nhưng được ưa chuộng nhất là sá sùng nướng chấm tương ớt. Sá sùng vừa giòn, dai dai, béo bùi lại còn là món ăn rất bổ dưỡng.

Cá mú đỏ

Cá mú đỏ là một trong những đặc sản của Côn Đảo không thể bỏ qua. Có tên gọi khác là cá song và là loại cá được ưa chuộng nhất trong các loại các biển ở Côn Đảo với những thớ thịt dai ngọt và rất thơm, thường được chế biến thành các món sốt, nướng và gỏi rất hấp dẫn.

8. Resort, Khách sạn ở Côn Đảo

Ở Côn Đảo không có quá nhiều resort, khách sạn, nhà nghỉ, do đó nếu đi vào mùa du lịch cao điểm, bạn nên đặt phòng qua các hãng lữ hành uy tín như VietSense Travel để đảm bảo chắc chắn chỗ ở của mình.

VietSense Travel gợi ý cho bạn một số resort, khách sạn ở Côn Đảo như:

Six Senses Côn Đảo

Six Senses Côn Đảo nằm cách Vườn Quốc gia Côn Đảo 2 km và cách sân bay Côn Sơn 8km, là khu nghỉ dưỡng sang trọng hàng đầu tại Việt Nam. Đặt tiêu chí yên tĩnh lên hàng đầu, Six Senses Côn Đảo nằm ẩn mình bên bờ biển đẹp xanh trong, thoai thoải cát trắng và hoàn toàn tách biệt với thế giới bên ngoài.

Với 50 biệt thự được làm hoàn toàn bằng gỗ, nằm dọc sát bờ biển dài 1,6 km, được thiết kế theo phong cách đơn giản nhưng sang trọng. Các biệt thự đều được trang bị đầy đủ tiện nghi với tiêu chuẩn 5 sao sang trọng nhưng cũng rất giản dị.

Toàn bộ khu nhà nghỉ ở đây đều xây dạng biệt thự riêng biệt từng cụm gần sát biển bao gồm phòng khách, phòng ngủ, hồ bơi, một số villa có nhà bếp và phòng ăn đáp ứng nhu cầu ở dài hạn của một gia đình nhỏ. Ngoài ra, mỗi biệt thự đều có bể bơi riêng, có không gian tắm ngoài trời được bao bọc kín đáo mang đến cho du khách cảm giác bất tận và khác biệt.

Poulo Condor Boutique Resort & Spa Côn Đảo

Đây là một khu resort xinh đẹp ở Côn Đảo. Tên của khu resort Poulo Condor được lấy theo tên của Côn Đảo trong thế kỷ 18. Chỉ chính thức đi vào hoạt động và đón khách từ cuối năm 2016, khu resort này có thể gọi là cực mới trong hệ thống resort ở Côn Đảo chưa được nhiều người biết đến.

Poulo Condor Boutique Resort & Spa tọa lạc ở Suối Ớt – Côn Đảo, khu nghỉ dưỡng đạt tiêu chuẩn 4 sao và với thiết kế cổ điển, ấm áp mang chút hoài niệm kết hợp với khu vườn xanh mát xung quanh tạo nên một nét cuốn hút riêng biệt của Poulo Condor. Điều đó sẽ tạo cho bạn một cảm giác mới lạ và thư giãn khi ở trong một không gian yên tĩnh và tươi mát.

Tổng thể kiến trúc của khu nghỉ dưỡng này toát lên một vẻ tinh tế, thanh lịch, theo phong cách Châu Âu cổ kính nhưng vẫn pha những nét hiện đại. Toàn bộ khu nghỉ dưỡng này là một hệ thống gồm 36 phòng suit và villa với thiết kế sang trọng, không gian ấm cúng và tiện nghi. Bạn có thể thấy rất nhiều đồ trang trí đơn giản nhưng được sắp đặt một cách hợp lý đã tạo cho căn phòng một tổng thể đẹp hài hòa đến khó tin.

Khu nghỉ dưỡng Sài Gòn Côn Đảo

Khu nghỉ dưỡng Sài Gòn Côn Đảo nằm ngay trung tâm Côn Đảo, sở hữu 120 phòng ngủ được trang bị hiện đại với đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp và tận tình. Khu du lịch gồm có hai khu: Khu biệt thự có tổng cộng 36 phòng ngủ, được cải tạo từ các villa do người Pháp xây dựng vào những năm 1920. Đây từng là nơi ở và làm việc của các công chức người Pháp, với thảm cỏ xanh mượt và những tán cây xanh cổ thụ bao quanh các villa. Khu building có 82 phòng ngủ được xây dựng vào năm 2009 với nét kiến trúc hiện đại, tất cả phòng đều hướng biển, trang thiết bị sang trọng…

            Con Dao Resort

Con Dao Resort có vị trí thuận tiện tại trung tâm thị trấn Côn Đảo, tọa lạc trên đường Nguyễn Đức Thuận và nằm trong khuôn viên rộng lớn được bao bọc bởi những rặng phi lao, những tán dừa xanh mát. Từ sân bay Cỏ Ống về đến Côn Đảo Resort chỉ mất hơn 20 phút.

Côn Đảo Resort có 45 phòng ngủ tiện nghi và 7 villa sang trọng. Nhà hàng và quầy bar sát biển cùng với các dịch vụ thể thao giải trí như bóng chuyền bãi biển, tennis, hồ bơi…. Những dịch vụ độc đáo, thú vị như sân golf mini, chèo thuyền kayak,… sẽ tạo cho bạn những ấn tượng đẹp khi đến Côn Đảo Resort.

Các khách sạn, resort khác tại Côn Đảo

Ngoài những resort, khách sạn trên, khi du lịch Côn Đảo bạn có thể lựa chọn các cơ sở lưu trú nằm xung quanh bãi biển, trung tâm của đảo như:

Nhà khách Phi Yến. Đây là một địa chỉ lâu năm nên nhà khách cũng xuống cấp khá nhiều. Nhà khách này nằm ở vị trí thoáng đãng ngay ở đường Tôn Đức Thắng nhìn thẳng được ra biển. Khuôn viên ở đây rộng nên cũng có cả quán ăn, bán cơm, phở, mì, hủ tiếu, …

Nhà nghỉ Thanh Xuân, nằm trên đường Tôn Đức Thắng nhìn ra biển.

Nhà nghỉ Thanh Ngọc, nằm trên đường Tôn Đức Thắng.

Nhà Nghỉ Bảo tàng – Phú Hải Resort nằm ở trung tâm thị trấn.

Khách sạn Hải Nga trên đường Trần Phú.

Nhà nghỉ Thái Hà trên đường Nguyễn Huệ.

Khách sạn Phương Thảo đường Trần Phú

9. Các điểm tham quan, trải nghiệm tại Côn Đảo

Các điểm tham quan tìm hiểu lịch sử:

Du lịch Côn Đảo, nhất định bạn không thể bỏ qua việc khám phá, tìm hiểu lịch sử hào hùng của vùng đất này.

+ Nghĩa trang Hàng Dương

Nghĩa trang Hàng Dương là nơi có mộ của hơn 2000 liệt sĩ và mộ nữ An hùng dân tộc Võ Thị Sáu. Đây là điểm đến bạn không thể bỏ qua trong hành trình đến với Côn Đảo.

+ Bảo Tàng Côn Đảo

Bảo tàng Côn Đảo trước đây là nơi ở và làm việc của các đời chúa đảo. Đến với bảo tàng, bạn có cơ hội tìm hiểu lịch sử hình thành Côn Đảo thông qua các hiện vật, cổ vật, hình ảnh và các tư liệu từ thời Pháp thuộc đến nay.

+ Trại tù Phú Sơn, Phú Hải Côn Đảo

Đây là nơi giam giữ các tù binh cộng sản thời Pháp và Mỹ.

+ Khu di tích Chuồng Cọp

Là nơi bạn có thể tìm hiểu cuộc sống, các cách tra tấn dã man, nơi sinh hoạt của các tù binh bị giam cầm, đây cũng là nơi giam giữ chị Võ Thị Sáu.

Những điểm du lịch tâm linh:

+ Đền thờ bà Phi Yến

Đền thờ bà Phi yến hay còn gọi là An Sơn Miếu. Bà Phi Yến là vợ vua Nguyễn Ánh, mẹ của Hoàng tử Cải. Khi bị kẻ xấu lợi dụng, vì quá uất ức, bà Phi Yến đã tự vẫn khi chỉ mới 25 tuổi. Bạn cũng nên viếng thăm Miếu và mộ của Hoàng tử Cải, ngay gần sân bay Cỏ Ống.

+ Chùa Núi Một

Chùa Núi Một nằm ở trung tâm huyện được xem là ngôi chùa có phong thủy đẹp nhất Việt Nam. Chùa mới khánh thành năm 2011, nằm trên núi,  có tầm nhìn bao quát xuống biển – núi – thành phố – hồ sen An Hải vô cùng đẹp.

Những trải nghiệm không thể bỏ qua khi đến Côn Đảo

+ Lặn biển ngắm san hô

Đến Côn Đảo bạn nhất định phải thử lặn biển ngắm san hô. Bạn có thể thuê thuyền ra Hòn Bảy Cạnh, rồi nhảy xuống làn nước mát và từ từ bơi ra chỗ ngắm san hô. San hô ở đây đa số không có màu sắc rực rỡ, do sự biến đổi khí hậu toàn cầu, nước biển ấm lên gây ra hiện tượng tẩy trắng san hô. Tuy nhiên bạn sẽ thực sự được hòa mình vào thế giới dưới nước với muôn vàn loài cá đủ sắc màu tung tăng bơi lội.

+ Khám phá đảo bằng xe máy

Với một chiếc xe máy thuê theo ngày từ 100.000 đến 150.000 đồng, bạn có thể chủ động lang thang và dừng lại ở bất kỳ đâu trên khắp hòn đảo yên bình này, từ cảng Bến Đầm ở phía nam cho tới bãi Đầm Trầu ở phía bắc. Có hai trạm xăng trên đảo, đều nằm trong khu trung tâm nên bạn lưu ý đổ đầy xăng trước khi khởi hành. Bạn hoàn toàn yên tâm với vấn đề an ninh nên có thể để xe ở bất kỳ đâu mà không sợ mất, dù bạn chẳng cần khóa.

+ Xem rùa đẻ trứng

Từ hòn Bảy Cạnh, bạn có thể tiếp tục đi đến hòn Cau để thăm rừng ngập mặn ngoài biển. Ngay tại hòn Cau, khu bảo tồn rùa được thành lập từ năm 1995 cũng là một địa điểm thú vị không nên bỏ qua. Bạn có thể nghỉ đêm tại đây để có cơ hội tham gia vào hoạt động đem trứng rùa vừa nở ra tận bờ biển.

Mùa rùa đẻ trứng là từ tháng 3 đến tháng 10, và có từ 3.000 đến 5.000 trứng rùa nở mỗi đêm. Tuy nhiên khu vực biển này bị cấm, chỉ có kiểm lâm mới được xuống, vì sự xuất hiện của con người có thể ảnh hưởng đến sự sinh hoạt của loài vật này.

+ Trekking núi Sở Rẫy

Côn Đảo không chỉ có biển mà còn có núi bao xung quanh. Bạn có thể leo núi Sở Rẫy để khám phá sự đa dạng của các loài thực vật trong khu vực rừng nguyên sinh này. Trên cung đường trekking khoảng một tiếng rưỡi từ chân núi lên đến đỉnh, du khách có thể còn gặp loài khỉ hoang dã. Vì đã quen với sự xuất hiện của con người, khỉ ở đây rất tự nhiên và không hề sợ sệt trước sự xuất hiện của con người.

+ Dạo bước trên những con đường vắng

Dạo bộ trên những con đường đẹp và vắng vẻ trên đảo là một trong những trải nghiệm tuyệt vời ở Côn Đảo. Không khí ở Côn Đảo rất trong lành, mát mẻ, nhất là vào mùa biển êm, nắng nhẹ.

+ Thưởng thức cà phê Côn Sơn

Côn Đảo có nhiều quán cà phê phong cách như Cafe Lò Vôi, Infiniti, Ngộ Quán… và đặc biệt là Côn Sơn. Cà phê Côn Sơn có vị trí đẹp, nhìn thẳng ra biển, đối diện với cầu tầu 914. Ngồi đây vào buổi sáng hoặc chiều muộn, xung quanh không khí yên tĩnh, nắng nhẹ, gió mang mác sẽ khiến tâm hồn bạn thư thái.

+ Thưởng thức hải sản ở nhà bè trên cảng Bến Đầm

Cảng Bến Đầm nằm ở phía Tây Nam của đảo Côn Sơn, cách trung tâm thị trấn Côn Đảo khoảng 15 km. Nếu đi tàu biển từ thành phố Vũng Tàu ra Côn Đảo, bạn sẽ cập cảng tại đây. Nằm gọn trong vịnh Bến Đầm, nơi đây được che chắn bởi nhiều dãy núi nên là điểm tập kết và tránh bão của tàu thuyền, cũng là nơi neo đậu của các bè hải sản. Bạn sẽ mất phí khoảng từ 10.000 đồng đến 30.000 đồng để các tàu nhỏ chở bạn ra bè. Hải sản trên bè rất tươi ngon.

+ Trekking ở vườn quốc gia Côn Đảo. Vườn Quốc gia Côn Đảo có diện tích gần 6.000 ha trên cạn và 14.000 ha vùng nước. Bạn có thể đi bộ xuyên rừng để hít thở không khí trong lành, nghe tiếng chim véo von, ngắm những đàn bướm đầy màu sắc và nhiều loài động vật khác. Các bãi biển gần vườn quốc gia cũng rất đẹp và vắng vẻ, nơi bạn tha hồ thư giãn. Ở khu vực này có bãi biển ông Đụng rất đẹp nằm trong khu vực kiểm lâm của Vườn quốc gia Côn Đảo.

+ Tắm biển

Biển ở Côn Đảo nước trong veo, gió lùa mát rười rượi, xung quanh bãi tắm là những hàng cây xanh ngắt. Một số bãi tắm của du lịch Côn Đảo bạn nên ghé qua như: Bãi Đầm Trầu, gần sân bay Cỏ Ống. Nơi đây cát trắng xốp mịn, núi ôm lấy biển theo hình vòng cung nên bãi Đầm Trầu luôn có sóng nhẹ, yên tĩnh. Đây được xem là bãi tắm đẹp nhất của du lịch Côn Đảo.

Bãi Lò Vôi dọc đường Tôn Đức Thắng, thích hợp cho gia đình hoặc nhóm đông người.

Bãi An Hải cách trung tâm huyện chỉ 10 phút đi bộ, được bao quanh bởi núi nên rất êm dịu và phẳng lặng, nước trong xanh.

Bãi Đất Dốc, các hẻm núi ăn sâu vào bở biển tạo ra các bãi biển nhỏ xinh đẹp và yên tĩnh.

+ Đón bình minh, hoàng hôn

Du lịch Côn Đảo cho bạn cơ hội ngắm mặt trời tuyệt vời nhất. Thức dậy thật sớm để đón bình minh tại Mũi Cá Mập, mặt trời mọc qua hòn Bảy Cạnh, các đám mây trên bầu trời cùng với tia nắng ban mai tạo nên một màn trình diễn ánh sáng kỳ ảo. Chiều đến dạo qua bãi Nhát ngắm nhìn hoàng hôn ấm áp từ từ lặn qua Đỉnh Tình Yêu vô cùng huyền diệu.

10. Đặc sản Côn Đảo

Mứt hạt bàng

Bàng ở Côn Đảo là loại cây rừng, lá và quả rất to. Tết đến, người dân còn có thể gói bánh chưng bằng lá cây bàng. Người dân nơi đây đến mùa sẽ thu hoạch quả bàng đem phơi cho khô vỏ, sau đó đem ra chẻ lấy hạt, sau đó đem rang với muối hoặc đường tùy ý. Mứt hạt bàng là đặc sản nổi tiếng của Côn Đảo. Hương vị mứt thường giòn, bùi, thơm và ngậy một cách rất thú vị, là món quà đặc sản mang đậm dấu ấn nơi này.

Mắm hàu

Nếu những món mắm cá đã qua quen thuộc với du khách khi đến với những vùng biển thì món mắm hàu sẽ là món ăn rất độc đáo. Đây là món ăn quen thuộc trong bữa cơm hàng ngày của người dân trên đảo. Hàu thường sống bám vào cách vách đá ven biển, ngư dân chỉ có thể đi bắt hàu vào lúc thủy triều xuống thấp.

Hàu bắt về được lột vỏ, rửa sạch sau đó đảo đều với muối, ớt bột cùng với các loại gia vị khác rồi bỏ vào chai. Sau khoảng 20 tới 25 ngày, chai mắm hàu sẽ đổi màu, phần thịt sẽ nổi lên còn phần nước lắng xuống phía dưới có màu đỏ tươi là có thể ăn được.

Mắm hàu ăn với cơm, chấm với rau hay bánh tráng đều rất hấp dẫn. Đây là món ăn nhất định du khách phải thử và mua về khi tham gia các tour du lịch Côn Đảo.

Các loại hải sản

Côn Đảo là nơi có rất nhiều loại hải sản tươi ngon để cho du khách thưởng thức và mua về làm quà cho gia đình. Món đầu tiên có thể kể đến chính là ốc vú nàng, loại ốc này mua về nướng với mỡ hành là ngon nhất.

Món tôm hoàng đế chắc nịch, thịt trắng ngần cung cấp rất nhiều đạm và khoáng chất. Món mực một nắng chiên giòn, chả cá thu, cá bò, bạch tuộc đều là những loại hải sản hấp dẫn tại đây.

Trên đây là tổng hợp tất tần tật những thông tin về du lịch Côn Đảo mà VietSense Travel muốn chia sẻ cho các bạn, hi vọng bạn sẽ có một chuyến du lịch Côn Đảo thật vui vẻ, thú vị và nhiều ý nghĩa!

HOTLINE
Tour trong nước:
Ms. Tuyết Chinh: 0916 172 338
Ms. Ngọc Anh: 0918 953 728
Tour nước ngoài:
Ms. Thư: 0944 738 228
Mr. Hoàng Minh: 0947 348 228
Top